GBA [Review] The Legend of Zelda: The Minish Cap

Cửa hàng game Nintendo nShop

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

silver3128

V.I.P Member
Huyền Thoại The Legend of Zelda

Nhắc tới Nintendo hẳn người chơi game nhớ ngay tới những dòng game kinh điển của hãng và cũng chỉ suất hiện trên duy nhất những hệ máy chơi game của họ mà thôi . Cái tên The Legend of Zelda chẳng còn xa lạ đối với những người yêu game của Nintendo , nó gắn liền với tên tuổi của những hệ máy game của Nintendo và bạn có biết rằng có tất cả bao nhiêu phiên bản ko ? bài viết trên PC GAME sẽ giúp chúng ta hiêu thêm phần nào về tên tuổi của dòng game này :


Nguyên nhân ra đời



The Legend of Zelda thực chất được Miyamoto làm cùng thời điểm với Super Mario Bros. Chính vì lý do trên, nhóm của ông quyết định đưa hai ý tưởng đối lập nhau để ứng dụng cho từng game. Theo sự sắp đặt này, Super Mario Bros có cách chơi tuyến tính liền mạch, còn Zelda đối lập hoàn toàn, đòi hỏi người chơi phải vận dụng đầu óc nhiều hơn để định hướng mình sẽ đi đâu và làm gì.

Với The Legend of Zelda, Miyamoto muốn tái hiện ký ức thời thơ ấu của mình. Đó là cánh đồng, rừng cây và những hang động của ngoại ô Kyoto... những nơi ông đã khám phá khi còn là một cậu bé “Khi du ngoạn quanh ngoại ô mà không có bản đồ trên tay, tự kiếm đường, vấp phải những vật cản trên đường, tôi thấy thật tuyệt vời khi cảm giác được chất phiêu lưu ấy”.

Những dấu son

The Legend of Zelda (THE HYRULE FANTASY) chính là phiên bản Zelda đầu tiên ra mắt tại Nhật vào năm 1986 nhằm quảng bá cho Disk System (thay thế cho băng) dành cho máy Famicom (NES). Sau đó một năm, The Legend of Zelda nhanh chóng trở thành trò chơi thứ hai trên Famicom (trước đó là Super Mario Bros), bán được hơn một triệu bản.

Trò chơi còn vinh dự xếp thứ năm trong top những trò chơi hay nhất mọi thời đại của tạp chí Game Informer, xếp thứ năm “The Greatest 200 Video Games of Their Time” trong ấn phẩm số 200 của tạp chí Electronic Gaming Monthly... Nó thành công đến nỗi được tái phát hành nhiều lần trên nhiều hệ máy khác nhau của Nintendo, và gần đây là qua dịch vụ Virtual Console của Wii vào năm 2006; nó còn có mặt trong phiên bản The Legend of Zelda: Collector’s Edition dành cho GameCube và phần có thể “unlock” trò chơi trong phiên bản GameCube của Animal Crossing.

Sau khi tung hoành ngang dọc trên cả NES và SNES, Zelda đã đặt chân lên handheld console với phiên bản The Legend of Zelda: Link’s Awakening dành cho Game Boy vào năm 1993. Đây chính là câu chuyện tiếp nối của The Legend of Zelda: A Link to the Past trên hệ SNES trước đây.

Trò chơi sau đó có bản làm lại (remake) mang tên The Legend of Zelda: Link’s Awakening DX cho hệ Game Boy Color (1998). Điểm thú vị của phiên bản remake này là người chơi sẽ giải quyết các câu đố trực quan hơn dựa vào màu sắc. Ngoài ra, nếu kết nối với phụ kiện Game Boy Printer, người chơi có thể lưu lại các tấm ảnh yêu thích và xem lại qua mục Camera Shop và Photo Album.

Sau những ngày hoàng kim trên không gian 2D, huyền thoại Zelda cũng chuyển qua thế giới 3D với phiên bản The Legend of Zelda: Ocarina of Time dành cho Nintendo 64. Chỉ trong sáu tháng kể từ ngày phát hành 21/11/1998, Ocarina of Time đã bán được hơn năm triệu bản (hơn 8,6 triệu bản trên toàn thế giới). Các tạp chí và trang web hàng đầu về game như Famitsu, IGN, Gamespot, EGM, Nintendo Power,... đều không ngần ngại cho điểm số tuyệt đối và hàng tá danh hiệu cao quý trong năm đó; giới game thủ và các nhà phê bình game đánh giá là phiên bản Zelda hay nhất từ trước đến nay.

Gần hai năm sau khi Ocarina of Time trở thành huyền thoại, The Legend of Zelda: Majora’s Mask phiên bản thứ hai của Zelda trên Nintendo 64 được ra mắt tại Nhật vào 27/04/2000. Lập tức 314.000 bản được bán trong tuần đầu phát hành tại quê nhà và sau đó đạt mốc ba triệu bản trên toàn thế giới.

Dấu nhấn của Majora’s Mask chính là cốt truyện độc đáo nhất trong các bản Zelda. Thay vì trở thành người hùng quen thuộc của Hyrule như các phiên bản trước, Link phải tự cứu mình khỏi lời nguyền của chiếc mặt nạ ma quái với hạn định ba ngày trong vùng đất kì bí Termina. Majora’s Mask đòi hỏi người chơi phải sử dụng Expansion Pak (thiết bị giúp cải thiện bộ nhớ cho Nintendo 64) nhằm thể hiện số lượng lớn nhân vật trong game đồng thời cải thiện tốt về đồ họa.

Majora’s Mask nhận được rất nhiều ý kiến trái ngược nhau từ các tạp chí và các nhà phê bình game danh tiếng. Phần lớn cho rằng chính độ khó của các thử thách, cốt truyện đặc sắc và thời gian chơi bị giới hạn giúp Majora’s Mask vượt qua cái bóng khổng lồ của Ocarina of Time. Số còn lại cho rằng trò chơi đáng thất vọng khi đi ngoài quỹ đạo mà Ocarina of Time tạo ra. Nhưng đây có lẽ là phiên bản Zelda duy nhất đến thời điểm hiện tại có thể so sánh với Ocarina of Time.

Mỗi lần Nintendo công bố hệ máy mới, người ta lại thấy có mặt Zelda và các game thủ GameCube cũng không bị phụ lòng khi The Legend of Zelda: The Wind Waker, phiên bản thứ 10 của xêri The Legend of Zelda, ra mắt vào ngày 13/12 năm 2003.

Đây cũng là lần đầu tiên các fan được chu du trên biển cùng Link khám phá thánh vật có tên Triforce. Tuy nhiên, đây cũng là điểm bất tiện của trò chơi khi game thủ phải mất rất nhiều thời gian chỉ để di chuyển giữa các khu vực bằng đường biển. Dù vậy trò chơi vẫn được đánh giá cao nhờ thừa hưởng cách chơi đặc sắc của Ocarina of Time. Đây cũng là game thứ tư trong danh sách bảy game nhận được điểm tuyệt đối của tạp chí danh tiếng Famitsu. Ngoài ra, Wind Waker cũng nhận được danh hiệu Game of the Year của Gamespot, Nintendo Power và hàng tá giải thưởng quan trọng từ các website và tạp chí game khác. Mặt khác, trò chơi cũng vinh dự xếp thứ 13 trong danh sách những game bán chạy nhất của thế kỉ 21.

The Legend of Zelda: The Minish Cap là phiên bản Zelda dành cho Game Boy Advance được phát hành vào năm 2004 tại Nhật và châu Âu sau đó tại Bắc Mỹ (2005). The Minish Cap nhanh chóng đoạt các giải thưởng quan trọng về game cho Game Boy Advance trong năm 2005 trước những anh tài khác như Wario Ware: Twisted!, Fire Emblem: The Sacred Stone.


The Legend of Zelda:The Minish Cap - Người hùng tí hon


Hệ máy: GameBoy Advance
Thể loại: Hành động
Hãng phát hành: Nintendo
Hãng phát triển: Flagship
Ra mắt: 10-1-2005



Trong The Minish Cap, bạn gặp lại người quen cũ Link. Một lần nữa anh chàng được giao nhiệm vụ giải cứu Hyrule khỏi tay tên phù thủy gian ác Vaati, kẻ đã biến công chúa Zelda thành đá và đang trên đường tìm kiếm năng lượng ánh sáng siêu nhiên để giành lấy quyền thống trị vùng đất Zelda.

Mới đầu, Link sẽ thu thập được chiếc mũ thần có phép màu đưa đường chỉ lối, hướng dẫn cho chàng cần phải làm gì tiếp theo. Trong quá trình thực hiện kỳ công cứu Zelda và chặn tay Vaati, bạn sẽ được sự trợ giúp của Minish, một sinh vật nhỏ xíu, dễ thương nhưng đầy quyền năng mà chỉ có trẻ em mới nhìn thấy được. Bạn sẽ tìm thấy những cổng năng lượng ẩn trong game, nơi sẽ thu nhỏ kích thước của Link bằng với một người Minish và bằng cách đó giúp chàng giải những thách đố hóc hiểm, tìm các bảo vật bí mật và nhìn thế giới từ một phối cảnh khác.

Để ngăn chặn Vaati, bạn phải thu thập được 4 vật thiêng – Phong, Hỏa, Thủy, Thổ - và truyền năng lượng của chúng vào một thanh cổ kiếm bị gẫy. Cuộc tìm kiếm 4 vật thiêng này sẽ đưa tới những chuyến phiêu lưu trong các tầng sâu của 4 ngôi đền cổ. Mỗi ngôi đền lại là một hầm ngục phức tạp, rộng mênh mông mà bạn từng quen thuộc trong các phiên bản Zelda trước: nhiều tầng, mỗi tầng có một bảo vật và kết thúc bằng một cuộc đấu trùm.

Ngoài 4 hầm ngục chính còn có 2 hầm ngục khác không chứa các nguyên tố thiêng. Cả 6 ngục thất này đều có rất nhiều thách đố và những kẻ thù đáng sợ. Tuy nhiên, không có màn chơi nào quá khó. Nếu bạn từng chơi các bản Zelda trước, bạn sẽ nhanh chóng tìm ra phương hướng tiếp cận với các câu đố mới và mỗi câu đố đều đem lại cảm giác thỏa mãn khi bạn giải được chúng.

Ngoài bom, cung tên, boomerang và một số vũ khí giống các phiên bản trước, bạn sẽ tìm thấy các món đồ mới được thiết kế rất thú vị, như hồ lô gió có khả năng hút kẻ thù vào trong hoặc thổi ra những trận cuồng phong, cây gậy Pocci bắn ra luồng điện làm kẻ thù và các đồ vật lộn ngược lại, chiếc mũ Roc cho phép bạn nhảy, thậm chí bay những đoạn ngắn. Thiết kế thông minh của các màn chơi khiến các món đồ này có quan hệ chặt chẽ, gắn bó và bạn sẽ tìm ra các ứng dụng của mỗi thứ trong quá trình chơi, cho tới tận trận chiến cuối cùng.

Nếu The Minish Cap chỉ có 6 hầm ngục thì nó sẽ là game Zelda ngắn nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, giữa các mê cung này bạn sẽ có rất nhiều việc để làm, một số bắt buộc và một số khác là tùy chọn. Đôi khi, bạn sẽ bước vào những cuộc tìm kiếm nhỏ hơn để mở rộng cốt truyện, như đem trả một số cuốn sách bị mất để được nói chuyện với một bô lão Minish, người cư trú trên một giá sách thư viện, hoặc ghé thăm một phù thủy trong đầm lầy để nhận được đôi giày mới bạn đang cần.

Ngoài những hoạt động liên quan đến cốt truyện đó, bạn có thể sẽ bỏ ra đến hơn 10 giờ chỉ để khám phá thế giới, tìm những bình chứa “máu” và các bí mật kiểu Zelda khác. Bạn sẽ thấy bất ngờ khi ghé thành phố Hyrule, nơi bạn có thể vào rất nhiều ngôi nhà, gặp gỡ vô số người để nói chuyện, mua đồ và ráp những tấm kinstone để tạo ra những hiệu ứng đặc biệt.

Có lẽ bạn cần được giải thích đôi chút về kinstone. Đó là những chiếc huy chương nhỏ nhiều màu. Bạn sẽ lượm được một nửa của chúng trong những rương báu vật, dưới các tảng đá, trong người của kẻ thù… Hầu hết cư dân ở Hyrule đều có nửa tấm kinstone của họ, và nếu bạn gặp được họ để ráp nửa còn lại vào đó, bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Một số kinstone sinh ra các rương báu vật hoặc mở đường đếnnhững khu vực mới, nơi bạn có thể kiếm đá rupi, bình “máu”… trong khi những chiếc khác tạo nên những tác động lớn lên các nhân vật khác, cho phép bạn kiếm những đồ vật hữu dụng khác. Ráp kinston hoàn toàn là tùy chọn, nhưng bạn sẽ không thể bỏ qua vì nó làm bạn trở nên mạnh hơn, tìm thấy nhiều đồ hơn và trải nghiệm game được nhiều hơn so với việc chỉ lao từ hầm ngục này tới hầm ngục khác. Cơ cấu chơi này đặc biệt khuyến khích sự khám phá.

Hình ảnh của The Minish Cap thật ấn tượng. Thật khó tin là ngày nay game 2D vẫn còn được chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết đến vậy. Đặc biệt, ở những nơi Link thu nhỏ lại với kích thước người Minish, bạn sẽ chứng kiến những khoảnh khắc khó quên khi bạn leo lên bàn, rón rén bước qua một kẻ thù khổng lồ đang gục đầu trên đó hay bước qua các thanh xà nhà, quan sát những địa điểm bí mật mà người Minish chọn làm chỗ ở trong thế giới của người thường. Các nhà phát triển đã khai thác và thể hiện triệt để ý tưởng Link nhỏ xíu trong thế giới khổng lồ.

Âm thanh trong game cũng được nâng cấp tương xứng với đồ họa. Đó là sự kết hợp của những bản nhạc trong các phiên bản Zelda đầu tiên trên máy NES và những bài hát mới cực kỳ phù hợp với bối cảnh của trò chơi. Hiệu ứng âm thanh cũng được làm rất tốt, từ tiếng thét xung trận mạnh mẽ của Link khi chàng vung kiếm tới tiếng vọng của các nhân vật khác… Hầu như bạn không thể chê được Minish Cap ở một điểm gì.

Loạt game Zelda đã được 3D hóa hầu như hoàn toàn trên các hệ máy console. Nintendo cũng đang tập trung vào năng lực 3D của thiết bị mới DS trên thị trường máy chơi game cầm tay. Vì vậy, có thể đây sẽ là trò chơi Zelda 2D cuối cùng. Dù game có chấm dứt kỷ nguyên của một thể loại độc đáo hay không, đây vẫn là một trò chơi tuyệt vời và bất kỳ game thủ nào sở hữu máy GameBoy Advance cũng không nên bỏ lỡ
 
Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

Bình luận bằng Facebook

Pokémon Center

Pokémon Center Việt Nam

Cộng đồng Facebook của NintendoVN

Top