[3DS] Dòng game Star Fox và tựa game ‘Star Fox 64 3D’

Cửa hàng game Nintendo nShop

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

Tirexxx

Khủng long chân dài
Thành viên BQT
DÒNG GAME STAR FOX,
VÀ TỰA GAME 'STAR FOX 64 3D'
.



Star Fox - Nếu bạn nghĩ rằng đây chỉ là tên của một tựa game, thì điều này chưa đủ. "Star Fox" phải được hiểu là tên của một dòng game. "Star Fox" không mấy xa lạ, bởi tựa game đầu tiên của dòng game này đã từng được Nintendo phát hành vào năm 1993.

Một trong những đặc trưng của dòng game này, chính là mọi phiên bản đều đươc ứng dụng kỹ thuật dựng hình ba chiều (three-dimensional display technology) trong cách chơi (gameplay) ngay từ những phiên bản đầu tiên, cho đến phiên bản mới nhất hiện nay. Tất cả những phiên bản này đều được người chơi đánh giá cao về cách chơi, và cả phong cách hình hoạ.


Các nhân vật trong game được tạo nhìn theo phong cách 'Kemono' của Nhật Bản, nhằm tạo sự sống động, thân thiện và trở nên gần gũi. Điểm nổi bật của phong cách tạo hình này là nhân cách hoá các loài vật, trở thành các nhân vật trong một câu chuyện. Phong cách hình hoạ này khá phổ biến trong các tác phẩm nghệ thuật dân gian của người Nhật. Ngày nay, có thể tìm thấy Kemono trong rất nhiều dòng truyện tranh, phim hoạt hình, và cả trò chơi điện tử (videogames).


(có thể tìm thấy phong cách hình hoạ Kemono
trong các tác phẩm xưa của người Nhật)


Cuối năm 1992, phần thiết kế cơ bản của 'Star Fox' được ông Shigeru MiyamotoKatsuya Eguchi hoàn thành. Sau đó, họa sĩ Takaya Imamura đã tiến hành làm việc với bản thiết kế đó, và tạo hình các nhân vật. Phần âm nhạc trong game được nhạc sĩ Hajime Hirasawa đảm nhiệm. Nhóm phát triển đã bàn thảo rất nhiều, trước khi quyết định lựa chọn cách chơi theo kiểu ' lấy một đối tượng làm trung tâm, và người chơi sẽ điều khiển đối tượng này di chuyển và ngắm bắn trong một không gian ảo' - Tức là, người chơi có thể tự do di chuyển trong một vùng không gian cho phép, trong khi các sự kiện vật lí xung quanh sẽ tác động vào đối tượng trung tâm mà người chơi điều khiển. Cuối cùng là, ông Yoichi Yamada được chọn làm người thiết kế nên bảng phân chia các màn chơi, và đây cũng là 'bảng phân màn chơi' được áp dụng cho tựa game đầu tiên của dòng game 'Star Fox'.


(Một số nhân vật trong dòng game Star Fox:
Wolf O'Donnell, Andrew Oikonny, Fox Mc.Cloud, Peppy Hare, Slippy Toad, General Pepper)


Sau khi tất cả các phần công việc thiết kế đã hoàn thành, ông Miyamoto nghĩ ngay đến việc xây dựng Star Fox thành một dòng game, thay vì chỉ là một tựa game đơn lẻ. Trong đó, các nhân vật chính là những loài vật được nhân cách hoá, và cách điệu một cách phù hợp với tính cách của nhân vật. Mặc dù, Miyamoto không mấy 'mặn mà' với việc xây dựng một dòng game có chủ đề 'khoa học viễn tưởng' như thế. Ông vốn không thích hình ảnh của những 'khối sắt' cồng kềnh, hay những loại súng ống tối tân, những trạm không gian hầm hố, lạnh lẽo...

Có lẽ với quan điểm ấy, mà Miyamoto đã quyết định lựa chọn cách tạo hình 'nhân cách hoá các loài vật' của họa sĩ Takaya Imamura, nhằm mục đích làm giảm bớt 'ác cảm' với dòng game này. Ông cũng thương lượng với Imamura để lựa chọn hình ảnh nhân vật chính cho dòng game, là hình ảnh của một 'chú Cáo'.

Theo tính ngưỡng của người Nhật, Cáo là loài vật mang những thông điệp từ vị Thần Nông đến cho con người. Có thể dễ dàng tìm thấy hình ảnh của một con Cáo trông uy nghi, đang ngoạm một chiếc chìa khoá, ở ngay bên ngoài cổng vào ngôi đền Fushimi Inari shrine, tại Fushimi-ku, Kyoto.


Một điều thú vị trong cách thiết kế tuyến nhân vật của dòng game Star Fox nữa, đó là: Như chúng ta thường thấy, ở đa số các nước khác quan niệm rằng 'cãi nhau như chó với mèo' - để áp chỉ những cuộc đối đầu không bao giờ kết thúc. Thế như, với xứ sở Hoa Anh Đào - họ lại quan niệm rằng 'chó và khỉ' mới là hai loài vật mà không bao giờ có thể sống hoà thuận cùng nhau được. Đây cũng chính là lí do mà họa sĩ Takaya Imamura lựa chọn hình ảnh của quân đồng minh 'phe ta' là những chú chó, còn lại hình ảnh 'phe địch' là hình ảnh của khỉ.

:: Những phiên bản đầu tiên, đặt nền tảng cho dòng game Star Fox.


"Star Fox" là tựa game đầu tiên trong dòng game cùng tên, được phát hành trên hệ máy Super Nintendo Entertainment System (SNES), năm 1993. Đây cũng là tựa game đã ghi được dấu ấn trong lòng người chơi. Bởi đây là lần đầu tiên, hãng Nintendo ứng dụng kỹ thuật dựng hình 3D cho game của họ trên nền phần cứng khiêm tốn của hệ máy console SNES. Băng game của tựa game 'Star Fox' được tích hợp hẵn một chip đồng-xử-lí (coprocessor) mang tên Super FX.


Còn được gọi là MARIO Chip 1 (Mathematical, Argonaut, Rotation & I/O - chíp kiểm soát quá trình nhập và xuất các phép tính số học được xử lí luân phiên). Với chíp xử lí được tích hợp ngay trên băng game, cho phép tăng khả năng vẽ và dịch chuyển liên tục của các đa giác hình học. Đây là kỹ thuật dựng hình cần thiết để tạo nên một không gian với các chi tiết đồ họa 3D. Kỹ thuật này rất hiếm thấy trên các thiết bị giải trí nói chung, và các hệ máy videogame nói riêng vào thời điểm bấy giờ.

"Star Fox 2" là phần tiếp theo của Star Fox, và được dự kiến sẽ phát hành vào năm 1995. Tuy nhiên, kế hoạch này bị huỷ bỏ, mặc dù phiên bản tiếng Nhật của game về cơ bản đã hoàn thành xong. Rất nhiều tin tức và hình ảnh quảng cáo cho tựa game này đã được đăng tải trên những nguồn thông tin chuyên về giải trí điện tử đề cập về các chi tiết mới mẻ của phiên bản thứ 02 này, như là: Các lập trình viên của Nintendo khai thác tối đa khả năng của chip xử lí Super FX nhằm cải tiến đáng kể trong cách chơi, có sự góp mặt của 02 nhân vật mới để nâng tổng số nhân vật mà người chơi có thể lựa chọn lên đến 06 nhân vật - Đây cũng là số lượng nhân vật đông đảo nhất trong dòng game Star Fox được biết đến, không kể tựa game Star Fox Command...

Phiên bản "Star Fox 2" không được phát hành theo đúng dự kiến, là một sự kiện khiến nhiều người hâm mộ dòng game này cảm thấy nuối tiết. Và được tạp chí chuyên đề về videogame IGN, xếp vào danh sách "10 tựa game được mong chờ trong vô vọng".

[Danh sách được trích từ IGN.com]

  • 10. Warcraft Adventures (Blizzard - hệ máy PC)
  • 09. Star Fox 2 (Nintendo - hệ máy Super Nintendo Entertainment System)
  • 08. The Lost (Irrational Games - nhiều hệ máy)
  • 07. The Phantom (Infinium Labs - là thiết bị phần cứng)
  • 06. Robotech: Crystal Dreams (GameTek - hệ máy Nintendo 64)
  • 05. Earthbound 64 (HAL Laboratories - hệ máy Nintendo 64)
  • 04. S.T.A.L.K.E.R (GSC Game World - hệ máy PC)
  • 03. StarCraft: Ghost (Blizzard - nhiều hệ máy)
  • 02. Team Fortress 2 (Valve - hệ máy PC)
  • 01. Duke Nukem Forever (3D Realms - hệ máy PC).

Tuy rằng, Star Fox 2 không được Nintendo phát hành thành một sản phẩm thương mại trên thị trường, nhưng rất nhiều chi tiết có trong tựa game này vẫn đóng vai trò quan trọng, để góp phần 'làm nên tên tuổi' của các phiên bản khác trong cả dòng game. Đặc biệt là tựa game Star Fox 64 trên nền phần cứng của chiếc console được Nintendo giới thiệu không lâu sau đó - Nintendo 64.


'Star Fox 64' có phiên bản tiếng Nhật được phát hành vào tháng 04 năm 1997, tức là khoảng hơn 7 tháng sau khi hệ máy Nintendo 64 có mặt trên thị trường, và là tựa game thứ 02 trong dòng game Star Fox. Sở dĩ, được xem như là phiên bản thứ 02, vì tựa game 'Star Fox 2' chưa hề được chính thức có mặt trên thị trường.

Lần này, nền tảng phần cứng của hệ máy Nintendo 64 cho phép các hoạ viên và lập trình viên có đủ tài nguyên hệ thống để cải thiệt chất lượng hình ảnh của tựa game. Vẫn giữ cách chơi của phiên bản trước - Star Fox 64 cho phép người chơi 'bay lượn' trong không gian với hình ảnh đồ hoạ đẹp mắt. Lời thoại của nhân vật cũng được được lồng tiếng hẳn hoi, thay thế những 'phỏng âm' không rõ ràng trong phiên bản 'Star Fox' trước đây. Điều này giúp tăng thêm sức hấp hẫn cho phần cốt truyện, và không khí trong game sôi động hơn.

Việc phải huỷ kế hoạch ra mặt tựa game Star Fox 2 trên hệ máy SNES, đã thôi thúc ông Miyamoto nóng lòng, với mong muốn giới thiệu đến người chơi nói chung, và những người yêu thích dòng game này nói riêng - Những yếu tố mới mẻ của phiên bản Star Fox 64 lần này.


Về phần nội dung, các màn chơi của tựa game Star Fox 64 có tất cả là 03 mức độ chơi từ 'dễ đến khó'. Và tổng cộng là 25 hướng để người chơi lựa chọn các màn chơi trong suốt tựa game. Cho thấy, để chơi được hết tựa game này, người chơi phải "đầu tư" một khoảng thời gian nhất định. Chưa kể đến việc, người chơi sẽ phải 'quay lại' những màn chơi mà mà họ chưa thật sự "hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc", nhằm giành được những huy chương danh dự cho phi đội củ họ. Những huy chương này sẽ giúp người chơi mở ra những tính năng mới, ví dụ: chế độ chơi nhiều người (Multiplayer mode), hay phần 'nghe nhạc game' (sound testing feature), hoặc là thêm kỹ năng điều khiển chiếc tăng Landmaster...

Star Fox 64 là sự kết hợp của các phiên bản đầu tiên, và cả những chi tiết nổi bật từ phiên bản thứ 02 - cho dù là phiên bản thứ 02 chưa từng được phát hành. Với một số yếu tố mới mẻ đến từ sức mạnh phần cứng mới của hệ máy Nintendo 64. Bởi thế, tựa game này trở nên "rất riêng", mang theo những điều chưa từng có! Đó là lí do khiến một số lượng lớn người chơi, và hầu hết các trang tin chuyên lĩnh vực videogame đều đánh giá cao.

Năm 2009, Star Fox 64 có mặt trong "Danh sách những videogame hay nhất" - do Hiệp hội Guinness Thế Giới công nhận (Guinness World Records Gamer's edition in 2009). Ngay cả khi được phát hành lại trên kênh Wii Vitual Console của Nintendo, thì phiên bản Star Fox 64 vẫn nhận được rất nhiều sự ủng hộ.

Tựa game này còn để lại ấn tượng sâu sắc với câu thành ngữ: "Do a barrel roll!" (Một cú lộn mèo nào!). Nếu bạn muốn biết cụm từ này có 'mức độ ảnh hưởng' như thế nào, xin hãy cứ gõ cụm từ này vào cổ máy tìm kiếm Google - Bạn sẽ phải bất ngờ đấy !


'Star Fox Adventures' là phiên bản thứ 03, trong dòng game Star Fox. Phiên bản này được hãng Rare tham gia phát triển, đã mang lại một sinh khí hoàn toàn mới cho dòng game Star Fox truyền thống. Tựa game Star Fox Adventures được Nintendo phát hành trên nền phần cứng GameCube, vào tháng 09 năm 2002.

Cứ ngồi trong buồng lái, mà điều khiển mãi một chiếc phi thuyền thì cũng chán. Lần này, người chơi sẽ được vào vai của Fox McCloud với sứ mệnh 'cứu lấy hành tinh Dinosaur, trước khi nó bị phá huỷ'. Nhưng, Fox sẽ 'không được' thường xuyên bay lượn nữa. Thay vào đó, nhân vật sẽ phải 'lội bộ' trong suốt phần lớn thời gian của game, và chỉ dùng chiếc Arwing quen thuộc của mình khi cần thiết như một "phương tiện giao thông", để di chuyển đến những vùng đất khác nhau trên hành tinh mà thôi. Đương nhiên, những vũ khí hạng nặng cũng được thay thế bằng những vũ khí nhỏ gọn và cơ động hơn.


Nhóm phát triển sử dụng các 'cấu tử cơ bản' trong cách điều khiển nhân vật, và các kỹ thuật dựng hình từ một tựa game khá quen thuộc khác của Nintendo, đó là The Legend of Zelda: Ocarina of Time trên hệ máy Nintendo 64. Và đã mang lại kết quả đáng khích lệ, Star Fox Adentures được đánh giá là tựa game có phần đồ hoạ rất tinh xảo vào thời điểm ấy, nhờ vào kỹ thuật xử lí các đa giác hình hoạ thời gian thực (real-time polygon rendering). Mặc dù, vào thời điểm này, những chiếc tivi có màn hình khổ rộng (widescreen TV) vẫn chưa thật sự phổ biến, nhưng đồ hoạ của game có hỗ trợ cả những loại ti-vi có kích thước màn hình như thế.

Điểm nổi bật trong cách chơi của tựa game Star Fox Adventures là hệ thống 'tự động xác định, khoá mục tiêu'. Nhân vật sẽ nhận ra mục tiêu trong tầm mắt, và bám sát một cách tự động, để chiến đấu với mục tiêu đã 'khoá'. Hệ thống này được người chơi và các chuyên gia về videogame ủng hộ, và xem như một tác vụ cần có trong thể loại game hành động về sau này.


Nối tiếp thành công, 'Star Fox: Assault' là tựa game thứ 02 được Nintendo giới thiệu trên hệ máy GameCube của họ. Phiên bản thứ 4 của dòng game Star Fox, phát hành vào tháng 02 năm 2005. Mặc dù, tựa game 'Star Fox: Assault' có cách chơi cũng gần như phiên bản trước đó, nhưng lần này 'chất hành động - nhập vai' (action role-playing game) được khai thác toàn diện hơn.

(Một đoạn gameplay của Star Fox: Assault trên Youtube)

Trong các màn chơi, nhân vật Fox McCloud sẽ lần lượt điều khiển các phương tiện quen thuộc từ những phiên bản trước, đó là: con tàu không gian Arwing, chiến xa Landmaster. Nhiều tình huống, bắt buộc Fox phải hoàn thành nhiệm vụ, mà không dùng đến các phương tiện đã kể trên. Tất nhiên, tự mình phải di chuyển bằng cách... chạy bộ là giải pháp duy nhất trong những lúc như thế.


(Sự linh hoạt của phi thuyền Arwing và chiến xa Landmaster,
giúp Fox Mc.Cloud không ít trong nhiệm vụ trên không và cả mặt đất)


Việc lái chiếc Arwing, thì thật sự quá dễ dàng đối với những người yêu thích dòng game Star Fox rồi. Bởi vì, trong phiên bản này cách điều khiển không có gì khác các phiên bản trước. Với Arwing, người chơi có cả một khoảng không gian rộng lớn để tha hồ... lượn lờ, ngắm cảnh. Tuy nhiên, ở phiên bản này sẽ có một vài nhiệm vụ đòi hỏi người chơi sẽ phải rời khỏi buồng lái để nhân vật trực tiếp tương tác với các đối tượng có liên quan đến nhiệm vụ phải hoàn thành.

Nói đến việc di chuyển và chiến đấu trên mặt đất của dòng game Star Fox, thì phải kể đến chiến xa Landmaster - phương tiện cực kì linh hoạt. Được trang bị hệ thống các động cơ tên lửa đẩy, giúp Landmaster có khả năng thực hiện những cú 'lộn mèo' né tránh một cách hiệu quả, và bay một lên một khoảng cao nhật định khi cần thiết. Landmaster được trang bị vũ khí khá giống Arwing, tức là có khả năng khoá mục tiêu và tập trung năng lượng để tăng sức sát thương cho đối phương.

Ngoài những phương tiện trên, những khi Fox McCloud 'cuốc bộ' gốc nhìn của người chơi sẽ chuyển sang kiểu chơi 'bắn súng với gốc nhìn thứ 03' (third-person shooter). Chỉ việc ngắm và bắn bằng khẩu súng laser (còn gọi là khẩu 'blaster'). Phiên bản này, Fox được cung cấp nhiều loại súng khác nhau, kể cả súng phóng lựu và súng máy bán tự động.

Các yếu tố mới mẻ có sức lôi cuốn, nhạc nền tạo nên sức thu hút, và thừa hưởng cách chơi hấp dẫn cùng với chất lượng đồ họa bắt mắt, đó là tất cả mà tựa game Star Fox: Assault sở hữu. Tựa game trở lại đầy sức sống, xứng đáng là một phiên bản tiếp theo của một dòng game thành công.


Từ năm 2004, Nintendo DS nhanh chóng trở thành chiếc máy chơi game được yêu thích khắp thế giới, có doanh số bán cao ngất. Là điều kiện cần thiết khiến Nintendo nghĩ đến việc đầu tư một phiên bản 'Star Fox' mới, để người sở hữu chiếc máy chơi game Nintendo DS nói chung, và những người yêu thích dòng game 'Star Fox' nói riêng, lại được tiếp tục phiêu lưu cùng nhân vật Fox McCloud. Đó là lí do mà, tựa game 'Star Fox: Command' được phát triển và có mặt trên kệ hàng, sau 1 năm rưỡi - kể từ ngày phát hành hệ máy Nintendo DS.

Là tựa game thứ 05 trong dòng game 'Star Fox', được phát hành vào tháng 08 năm 2006. Đây cũng là lần đầu tiên mà một phiên bản của dòng game 'Star Fox' được phát hành dành cho máy chơi game cầm tay.

Cung cấp cho người chơi 02 lựa chọn: Chơi đơn (Single palyer) và chơi đối kháng - hỗ trợ 04 người chơi cùng lúc (Battle mode). Trong chế độ chơi đơn, tùy theo cách mà người chơi lựa chọn hướng đi, mà họ sẽ được thưởng thức những nội dung kết cuộc khác nhau. Có tất cả là 09 kết thúc, mặc dù không được lồng tiếng nhân vật như những phiên bản trên máy Nintendo 64 hay GameCube, do có sự giới hạn về các yêu cầu kỹ thuật của dòng máy cầm tay. Đây là điều cho thấy tựa game 'Star Fox: Command' dành cho Nintendo DS được tập trung đầu tư khá kỹ lưỡng về phần cốt truyện.

Tên của các phần kết cuộc trong tựa game 'Star Fox: Command', bao gồm:
  • 1. Fox and Krastal
  • 2. Goodbye Fox
  • 3. Emperor Anglar
  • 4. Star Wolf returns
  • 5. Lucy and Krystal
  • 6. Dash makes a choice
  • 7. Slippy resolve
  • 8. Pigma revenge
  • 9. The curse of Pigma

Thông qua từng cung bật cảm xúc nhân vật, trong từng phân cảnh của tựa game, mà tính cách của nhân vật được khắc họa rõ nét. Những mối quan hệ giữa các nhân vật này, trong dòng game cũng được giãy bày khá tường tận.

'Star Fox: Command' bán được khoảng 20.000 bản trong ngày ngày phát hành đầu tiên, tại thị trường Nhật Bản. Tựa game cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ các trang tin chuyên đề về videogame. Được tạp chí IGN.com bình chọn là "Tựa game gây được nhiều sự chú ý của tháng 08 năm 2006" - Ngay trong tháng mà tựa game này được phát hành.

Cho thấy 'Star Fox: Command' đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc duy trì giá trị tinh thần của một dòng game trong lòng người hâm mộ.

:: Star Fox 64 3D - Sự trở lại ấn tượng


Nintendo giới thiệu chiếc máy chơi game cầm tay mới nhất của họ - Nintendo 3DS, một nền tảng phần cứng độc đáo, là điều kiện tốt cho bất kì tựa game nào được phát hành trên hệ máy này.

Phải kể đến, đó là khả năng hiển thị hình ảnh 3D, mà người chơi không cần phải dùng kính chuyên dụng. Có thể gọi đây là một cuộc cách mạng về hiển thị hình ảnh cho videogame trên máy cầm tay. Các nhân vật và không gian trong game trở nên sống động. Bởi giờ đây, hình ảnh có thêm chiều thứ 3 rất thật. Rất nhiều tựa game cũ, trên nền máy console của Nintendo, như là: Nintendo Entertainment System (NES) hay SNES (Super NES) đã được làm lại trên nền phần cứng Nintendo 3DS.


'Star Fox' đã trở lại bằng một phiên bản cải tiến (remake version): 'Star Fox 64 3D' dành cho Nintendo 3DS, được phát triển bởi hãng Nintendo và hãng Q-Games. Nintendo đã phát hành phiên bản tiếng Nhật vào ngày 14 tháng 07 năm 2011, và phiên bản tiếng Anh vào ngày 09 tháng 09 năm 2011.

Tựa game 'Star Fox 64 3D' được làm lại từ phiên bản Star Fox 64 (1997) của hệ máy Nintendo 64. Không phải ngẫu nhiên mà 'Star Fox 64' lại được lựa chọn để cải tiến thành phiên bản 3D dành cho Nintendo 3DS. Mà 'Star Fox 64' được xem là có nhiều dấu ấn trong dòng game Star Fox nhất. Và tất nhiên, nếu được lựa chọn, thì người dùng chắc chắn cũng sẽ mong muốn được trải nghiệm tựa game này, ít nhất là một lần nữa - đối với những người yêu mến tựa game này, bằng một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ trên nền phần cứng của Nintendo 3DS. Hình ảnh được hiển thị 3 chiều một cách rất thật, điều ấy mang đến những cảm giác thú vị khó tả 'vừa lạ, mà lại vừa quen'.

Không kể đến những người đã yêu thích Star Fox, thì tựa game 'Star Fox 64 3D' cũng hoàn toàn đủ 'hấp lực' để thu hút sự quan tâm của những người chưa từng chơi, hay thậm chí chưa từng biết đến dòng game Star Fox. 'Star Fox 64 3D' được gần như hoàn toàn dựa theo phiên bản gốc, với một vài điểm cải tiến nhờ vào sức mạnh mới của phần cứng ẩn chứa bên trong chiếc Nintendo 3DS.

Chất lượng đồ hoạ và hiệu ứng hình ảnh là điều đáng chú ý, bởi đây là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng quyết định doanh số bán hàng của một tựa game. Theo cảm nhận chủ quan, thì hình ảnh của tựa game này là rất tuyệt vời: Nhân vật, và những chi tiết hình hoạ khác trông rất sắc nét. Đặc biệt là khả năng mô phỏng các tảng thiên thạch, khi đi ngang qua chúng, và cả mỗi lúc lằn đạn của đối phương bay thẳng về phía gần của màn hình. Thông qua kỹ thuật hiển thị 3D của màn hình trên của chiếc Nintendo 3DS, tất cả được mô phỏng rất thật! Hiệu ứng âm thanh, kết hợp với tiếng bộ đàm liên lạc thông báo tình huống của các thành viên trong phi đội Star Fox, làm cho người chơi như đấm chìm trong không khí khẩn trương của trận chiến.

Mặc dù, cảnh nền của game chưa thật sự sống động, nếu người chơi tinh ý sẽ thấy những bức phối cảnh hầu 'cứng đơ'. Nhưng, điều này cũng không làm giảm đi tác động đến từ những hiệu ứng hình hoạ khác.

Bên cạnh chất lượng và hiệu ứng hình ảnh mượt mà, cùng với âm thanh được cải thiệt, thì chế độ điều khiển '3DS Mode' là một yếu tố mới lạ, cho phép người chơi có thể điều khiển thông qua cảm biến hồi chuyển (gyroscope sensor) được tích hợp sẵn trong phần cứng chiếc Nintendo 3DS. Để xoay trở chiếc phi thuyền 'Arwing' và chiến xa Landmaster, người chơi chỉ việc 'lắc lư, nghiên qua, rồi nghiên lại' máy game cầm tay của họ. Không cần phải chạm đến phím di chuyển, để điều khiển phi thuyền hay chiến xa. Trong một không gian có chiều sâu thật của hình ảnh được hiển thị bằng kỹ thuật 3D, thì cách điều khiển này cũng góp phần tạo nên cảm giác mới lạ tương tác trực tiếp đến người chơi.


Trong trường hợp, nếu cách điều khiển bằng cảm biến hồi chuyển làm bạn khó chịu, thì việc dùng chiếc Circle-pad là một lựa chọn khác. Circle-pad giúp người chơi 'tinh chỉnh' mỗi chuyển động của chiếc Arwing , và Landmaster một cách chính xác, và nhẹ nhàng theo nhiều hướng khác nhau.

Phần bố trí các chi tiết trong game cũng trở nên hợp lí hơn nhờ vào màn hình thứ 02 của Nintendo 3DS, điều mà Nintendo 64 không có. Bên cạnh đó, hệ thống "DS Download Play" cho phép tối đa 04 người chơi cùng tham gia một trận đấu đối kháng (Battle Mode). Một điều thú vị nữa, đó là người chơi có thể chụp ảnh của họ, và dùng ảnh này để làm hình đại diện trong lúc tham gia những trận đối kháng. Điều này cũng có nghĩa là người chơi cũng sẽ thấy được hình ảnh của bạn bè mình, trong lúc... 'rượt đuổi và nhả đạn vào họ'.

'Star Fox 64 3D' thu hút được sự quan tâm của cộng đồng người chơi game sỡ hữu Nitendo 3DS, hay có thể nói cách khác: Sau 14 năm, thì tựa game 'Star Fox 64' lại thành công một lần nữa. Cho thấy chiếc máy Nintendo 3DS có thể làm thay đổi tích cực một tựa game đã hấp dẫn, sẽ trở nên hấp dẫn hơn - Hoặc ít nhất tựa game ấy cũng mang đến những trải nghiệm thú vị mới mẻ cho người chơi, mà từ trước đến nay chưa có một hệ máy chơi game cầm tay nào làm được.

Tính đến thời điểm này (tháng 12 năm 2011), 'Star Fox 64 3D' dành cho Nintendo 3DS đã bán được khoảng 480.620 bản, gần xấp sỉ con số 504.600 bản của phiên bản 'Star Fox: Command' dành cho máy Nintendo DS.

Nếu bạn mong muốn trải nghiệm hiệu ứng 3D mà Nintendo 3DS mang lại, thì 'Star Fox 64 3D' là một trong những lựa chọn xứng đáng. Cho dù, có thể bạn đã từng hoàn thành tựa game Star Fox 64 trên nền phần cứng Nintendo 64 đi nữa, thì lần này 'Star Fox 64 3D' sẽ có thể lại làm bạn hài lòng.

Hãy chắc chắn một điều rằng: Bạn luôn 'bật 3D' để cảm nhận những thay đổi của 'Star Fox 64 3D' !

 
Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

Bình luận bằng Facebook

Pokémon Center

Pokémon Center Việt Nam

Cộng đồng Facebook của NintendoVN

Top