[Review] Nintendo 3DS - Người kế vị sáng giá.

Cửa hàng game Nintendo nShop

Tirexxx

Khủng long chân dài
Thành viên BQT
[Review] NINTENDO3DS -
NGƯỜI KẾ VỊ SÁNG GIÁ.

(Bài đánh giá dựa trên firmware 4.1.0-8U của 3DS hệ US -
Sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới cho những phiên bản tiếp theo.)


Tại hội chợ các thiết bị giải trí điện tử E3, năm 2010, hãng Nintendo đã chính thức công bố những thông tin liên quan đến sản phẩm mới nhất, trong dòng máy chơi game cầm tay chuyên dụng của hãng. Với tên gọi là Nintendo 3DS, sản phẩm này có nhiều thay đổi cải tiến hơn, so với các sản phẩm cùng dòng máy chơi game DS.

Trước khi hội chợ E3 2010 diễn ra, thì vào tháng 03 năm 2010, Nintendo đã từng đề cập đến cái tên “Nintendo 3DS”, như một bước tiến lớn về phần cứng. Nhưng, vào thời điểm ấy, các Nhà phân tích lại cho rằng: ‘Sẽ còn rất lâu’, Nintendo mới cho ra mắt chiếc máy 3DS của họ. Với lí do, sản phẩm DSi XL là còn ‘chưa kịp nguội’ trên thị trường.



Bất chấp những dự đoán, Nintendo cho ra mắt sản phẩm Nintendo 3DS, tại thị trường Nhật Bản vào ngày 26/02/2011. Sau đó 01 tháng, hệ máy này cũng lần lượt đến với các thị trường khác, như là: thị trường bắc Mỹ (NA), thị trường châu Âu (EU), thị trường Úc (AU) và Hàn Quốc (KO).

Chi tiết nổi bật dễ dàng nhận thấy phải kể đến đầu tiên của sản phẩm Nintendo 3DS, đó chính là màn hình trên của chiếc máy này được ứng dụng kỹ thuật ‘dựng hình nổi’ (stereoscopic). Nhưng, điều đáng chú ý của việc dựng hình nổi trên Nintendo 3DS, đó là người dùng sẽ tự cảm nhận được chiều thứ 3 của hình ảnh được hiển thị, do hiệu ứng mang lại. Mà họ không cần dùng đến bất cứ một phụ kiện hỗ trợ nào khác (autostereoscopy).

Kỹ thuật dựng hình trên Nintendo 3DS, khơi lại một cụm từ đã từng có trước đó nhưng được ít người biết đến, tạm gọi là “3D không cần kính” (glasses-free 3D, hay glassesless 3D). Cụm từ trên dùng để chỉ việc hiển thị một hình ảnh có đồng thời 02 nhãn-phổ, dành cho mắt bên trái và bên phải. Gần giống với sự giao thoa của ánh sáng, màn hình hiển thị được hình ảnh ‘3D không cần kính’ tạo ra một nguồn sáng, bao gồm những vân sáng và vân tối đan xen nhau. Trong đó, bao gồm những vân sáng dành cho mắt bên trái, và những vân sáng dành cho mắt bên phải. Ở một khoảng cách thích hợp, nguồn sáng này chiếu đến mắt người dùng, và được truyền đến vùng nhận dạng hình ảnh của bộ não. Bộ não bị ‘đánh lừa’ và cho một hình ảnh có chiều sâu “thật”. Nói cách khác, hình ảnh 3D mà người dùng thấy được, từ kỹ thuật dựng hình này, là những gì mà họ cảm nhận được! Chứ không phải là ‘sự nhìn thấy đơn thuần’. Chiều sâu của hình ảnh ở trên, có thể gọi là một ‘chiều sâu hoàn hảo’ (3 full-dimensions).

:: Nintendo 3DS - Kỹ thuật ‘rào thị sai’
(Parallax barrier)



Auguste Berthier là người đã phát minh và đặt nền tảng cho kỹ thuật này. Tuy nhiên, ông chưa hề có một thực nghiệm nào để chứng minh cho lý thuyết của mình. Mãi đến năm 1901, một nhà phát minh người Mỹ, đó là Frederic E. Ives, đã có tiến hành các thực nghiệm và biến những điều trên giấy thành hiện thực. Ông đã tạo ra được những bức ảnh, mà người xem có thể cảm nhận được ‘chiều sâu thật’ một cách tự nhiên. Ngay sau đó không lâu, Ives đã làm và rao bán những bức ảnh ‘độc đáo’ ấy, như những bức hoạ dùng trong việc trang trí nội thất. Và tất nhiên, đây được coi là hoạt động kinh doanh tiên phong khai thác kỹ thuật hiển thị hình ảnh 3D dùng ‘rào thị sai’.

Một thế kỷ sau đó, hãng Sharp đã ứng dụng công nghệ điện tử trong việc phát triển và thương mai hoá kỹ thuật cổ điển này. Tiếp đó, là hãng Hitachi cũng trình diễn một mẫu điện thoại di động, có màn hình dùng kỹ thuật hiển thị hình ảnh có ‘chiều sâu thật’. Đến năm 2009, hãng Fujifilm lại giới thiệu sản phẩm máy chụp ảnh kỹ thuật số, với tên gọi Fujifilm FineFix Real 3D W1, với màn hình hiển thị ảnh 3D rộng 2,8 inch.


Gần đây nhất là, tại hội chợ triễn lãm giải trí điện tử (E3) - năm 2010, Nintendo ‘nối bước’ với chiếc máy chơi game cầm tay, ứng dụng kỹ thuật hiển thị hình ảnh 3D không cần dùng kính, dùng rào thị sai.

:: Nintendo 3DS - "Lạ lạ, quen quen..."

Nintendo 3DS hầu như thừa hưởng những đặc trưng và ưu điểm thiết kế, từ những người anh em trong dòng máy chơi game cầm tay Nintendo DS. Hệ thống điều khiển quen thuộc bao gồm các phím điều hướng: lên, xuống, trái, phải; cùng với các phím chức năng A, B, X, Y, L, R; và 02 phím hệ thống Start/Select. Tất nhiên, không thể thiếu màn hình cảm ứng, với kích thước 3.02 inches; và một microphone để thu nhận tín hiệu âm thanh. Ngoài cách điều khiển truyền thống, thông qua giao diện nút bấm, 3DS còn hỗ trợ cho người dùng thêm cách điều khiển bằng cảm biến hồi chuyển (gyroscope). Người dùng có thể điều khiển bằng cách rung/lắc/nghiên chiếc 3DS.

Ngoài những đặt điểm chung trên, Nintendo 3DS mang đến không ít những chi tiết phần cứng mới, nhằm tối ưu hóa cho giao diện điều khiển. Đầu tiên phải kể đến, đó là chiếc Circle-Pad, cho phép người sử dụng có thể tinh chỉnh những chuyển động theo 4 hướng, được bố trí ngay phía trên nhóm phím điều hướng. Circle Pad có thể thay thế hoàn hảo cho cả 4 phím lên/xuống/trái/phải. Kế đến là, phím Home có chức năng giúp quay về Màn hình hệ thống chính (Home Menu) của 3DS.



Bên cạnh đó, phím điều chỉnh độ sâu của hình ảnh 3D (3D Slider) cũng đóng vai trò quan trọng, trong việc chi phối đến sự hoạt động của 3DS. Lí do có sự hiện diện phím này, đó là hình ảnh 3D của hệ thống 3DS, phụ thuộc vào ‘cảm nhận’ của từng người. Phím này, cho phép người dùng có thể điều chỉnh được ‘mức độ 3D’, sao cho phù hợp với ‘cảm nhận’ của họ nhất, mà không gây ra sự khó chịu.






Cuối cùng là, điểm nổi bật nhất của 3DS, đó chính là màn hình trên với tỉ lệ 5:3, rộng 3.53 inch. Với khả năng hiển thị hình ảnh 2D, và 3D không-dùng-kính, nhờ vào việc tích hợp nút tinh chỉnh độ sâu 3D (3D Depth Slider) đã đề cập ở trên. Màn hình trên của 3DS có độ phân giải lên đến 800x240 pixel (400x240 cho mỗi nhãn-phỗ), cao nhất trong dòng máy chơi game DS. Việc nâng độ phân giải cho màn hình trên, giúp 3DS hiện thị tốt những hình ảnh 3 chiều với chất lượng cao.

Ngoại hình của 3DS, về tổng thể khá giống với các sản phẩm khác trong dòng DS, chỉ sai khác rất ít về kích thước và trọng lượng: Các số đo kích thước, gồm 130 x 74 x 20mm (dài x rộng x cao); trọng lượng cân được là 230 gram. Nhỏ hơn chỉ khoảng 10% so với DS Lite, người dùng có thể cho vừa vào túi quần áo của mình.




(Trọng lượng của 3DS nặng hơn DS Lite chỉ có 12 grams.)


Một chi tiết khá quan trọng nữa, đó chính là thời lượng pin: 3DS có thời lượng pin khoảng 3 - 5 giờ sử dụng liên tục cho các tựa game 3D; và khoảng 5 - 8 giờ cho cho các tựa game thuộc dòng máy DS, trước khi người dùng phải sạc lại.

Thực tế, thời lượng này có thể kéo dài hơn, khi người dùng điều chỉnh mức độ sáng ở mức hợp lí. Có tất cả 5 mức sáng cho màn hình, và người dùng có thể thiết lập chế độ tiết kiệm năng lượng (Power-Saving Mode). Ở chế độ này, màn hình của 3DS trông có vẻ ‘hơi ngã màu’, nhưng bù lại giúp kéo dài thêm thời lượng pin rõ rệt (khoảng từ 20 đến 40 phút).

Để bảo quản pin được tốt, Nintendo khuyên người dùng 3DS, nên sạc và giữ cho pin luôn đầy. Khi thấy đèn báo pin yếu, nên tắt máy ngay và để tránh trường hợp pin hết cạn. Đó là lí do mà, 3DS được kèm theo 01 đế sạc (Charging cradle), nhằm giúp cho việc sạc pin được dễ dàng và thuận tiện. Thời gian để sạc đầy hoàn toàn cho một pin dành cho 3DS, là khoảng hơn 03 giờ, và sau khoảng 500 lần sạc lại, dung lượng pin sẽ giảm đi khoảng 30%.



(Chiếc đế sạc trong bộ phụ kiện kèm theo của 3DS, rất tiện dụng)

:: Game dành cho 3DS và game của dòng máy DS.

Thẻ game dùng cho máy 3DS được Nintendo thiết kế mới, với dung lượng 2 Gigabytes (GB), và được tăng cường khả năng chống sao chép bất hợp pháp. Theo một số thông tin không chính thức, thẻ game dành cho 3DS có thể vượt qua con số 2GB. Tuy nhiên, người dùng nói chung, và những người hâm mộ sản phẩm của Nintendo nói riêng cũng không lấy làm bất ngờ, và tò mò về vấn đề này. Bởi vì, Nintendo rất ít khi công bố một cách tường tận các chỉ số liên quan đến phần cứng.

Về kích thước vẫn gần giống với các thẻ game dành cho dòng máy DS, chỉ có thêm một phần ‘ngàm’ nhỏ, nhô ra để phân biệt và tránh việc người dùng cắm nhằm loại thẻ này vào các máy DS/DSLite/DSi/DSi XL. Nintendo 3DS thừa hưởng được thư viện khổng lồ những tựa game của dòng máy DS, nhờ vào phần cứng có khả năng tương thích ngược với tất cả những game đã phát hành trên hệ máy DS, bao gồm cả những phần mềm trên Nintendo DSi (DSiware).


Hệ điều hành của 3DS cho phép người dùng, có thể quay về Home Menu, trong khi họ chơi game, bằng cách nhấn phím HOME trên nhóm phím chức năng. Nhưng tính năng này chỉ hỗ trợ những game dành riêng cho 3DS mà thôi. Đối với những game khác của dòng máy DS, khi nhấn phím HOME, trong khi chơi, người dùng sẽ được cảnh báo rằng: Toàn bộ dữ liệu của game sẽ bị mất, nếu chưa được lưu lại.

:: Các phần mềm cài sẵn và tính năng mới.

1. Thanh công cụ và các ứng dụng cơ bản:

Nintendo 3DS có khá nhiều tính năng mới, thông qua các phần mềm những phầm mềm cài sẵn, mang đến nhiều trải nghiệm mới thú vị cho người dùng. Các tính năng cơ bản, như là: Ghi chú, trình duyệt web được cải thiện nhiều so với các sản phẩm khác cùng dòng DS.

Tất cả được sấp xếp một cách rõ ràng, khoa học trên màn hình chính (HOME MENU). Ở HOME Menu, màn hình trên của 3DS sẽ hiển thị các thông tin chung, và thông tin riêng của ứng dụng; danh sách các ứng dụng, thanh menu ứng dụng cơ bản và các thông báo được hiển thị ở màn hình dưới. Lí do vì, màn hình dưới hỗ trợ cảm biến ‘chạm’, sẽ thuận lợi cho người dùng thao tác.


Ngay ở HOME Menu, trên thanh công cụ của màn hình dưới, ngoài việc có thể điều chỉnh độ sáng; và chọn cách sấp xếp các biểu tượng (icon) trong danh sách ứng dụng, người dùng còn có thể truy cập vào các ứng dụng cơ bản, bao gồm: Game Note, Friend List, Notifications, Internet Browser.





2. Tính năng StreePass và SpotPass:
2.1 Tính năng StreetPass:




Nói một cách đơn giản, để dùng tính năng StreetPass, người dùng chỉ cần bật nguồn 3DS và chắc rằng 'chức năng Wifi' cũng được kích hoạt. Sau đó, chỉ cần gập máy lại để cho vào túi, và đi ‘loanh quanh’ ngoài phố. Nếu trên đường đi, họ gặp một ai đó cũng sở hữu 1 chiếc 3DS, cũng đang được bất nguồn và tính năng Wifi. Thì, trong một khoảng cách nhất định, lập tức một số dữ liệu sẽ truyền qua/lại giữa 2 máy 3DS. Dữ liệu này tự động truyền trực tiếp qua/lại giữa 02 máy 3DS, mà không cần thông qua một thao tác trung gian nào khác.

Do đó, nhiều tựa game trong tương lai có thể áp dụng khả năng giao tiếp StreetPass giữa 02 máy 3DS, để kết nối những người chơi với nhau. Người chơi có thể trao đổi/chia sẽ dữ liệu của họ với người chơi khác, thông qua việc ‘đi lại’ trên đường và khu đông người. Ứng dụng “Mii Plaza” cài sẵn trong Nintendo 3DS, là một ví dụ cho việc áp dụng tính năng StreetPass, khá thú vị.


2.2 Tính năng SpotPass:

Tính năng SpotPass của 3DS khác một chút so với StreetPass. Đối với StreetPass, người dùng 3DS cần ‘đi ngang qua’ một người khác có sỡ hữu thiết bị này. Còn đối với SpotPass, thì người dùng chỉ cần ‘đặt’ chiếc 3DS của họ vào trong tầm phủ sóng của một “điểm truy cập” mạng không dây (access-point). Chú ý rằng, điểm truy cập không dây ấy phải được người dùng thiết lập kết nối ‘tinh cậy’ từ trước.

Khi đó, chiếc 3DS sẽ tự động tìm đến những nội dung trên Internet, và ‘âm thầm’ tải về. Riêng với việc nâng cấp firmware của máy, thì cần có sự đồng ý của người dùng.


Khó có thể diễn giải một cách rõ ràng, để hình dung tính năng StreetPass và SpotPass hoạt động như thế nào! Do đó, người dùng sẽ tự cảm nhận được sự tiện lợi và hấp dẫn của 02 tính năng mới này trên chiếc Nintendo 3DS, trong việc ứng dụng vào các tựa game và tạo nên sự kết nối ‘không biên giới’ giữa những người sỡ hữu chiếc máy chơi game cầm tay này.

[*] Cả 02 giao tiếp StreetPass và SpotPass sẽ được kích hoạt cùng với tính năng thu nhận sóng Wifi. Do đó, người sử dụng 3DS cần lưu ý các thiết lập lựa chọn loại dữ liệu mà họ muốn truyền/nhận thông qua 02 loại giao tiếp này. Để tránh những trường hợp rò rỉ thông tin cá nhân của mình.
 

Tirexxx

Khủng long chân dài
Thành viên BQT
Nintendo 3DS - Người kế vị sáng giá. [2]

3. Các ứng dụng được cài sẵn trên Nintendo 3DS:
3.1 Nintendo 3DS Camera:



Ứng dụng Nintendo 3DS Camera, cho phép người dùng chụp được ảnh và quay video ngắn ở định dạng hiển thị 2D, và 3D thông qua camera được tích hợp sẵn trên phần cứng của thiết bi này. Sau khi kích hoạt ứng dụng 3DS Camera, người dùng sử dụng phím A, hay bấm phím L hoặc R để chụp ảnh, hoặc bắt đầu quay đoạn video.

Bảng điều khiển của Nintendo 3DS Camera, được bố trí khá vui mắt và hoàn toàn nằm ở màn hình cảm ứng dưới, nên người dùng có thể ‘thích gì, sờ đó’.


Để những bức ảnh chụp trở nên sống động hơn, người dùng có thể lựa chọn 1 trong 6 ‘chế độ chụp’:

1. Sparkle: Ảnh chụp sẽ được thêm vào các chi tiết ‘hoa lá’ đầy màu sắc. Để chuyển đổi những hình ‘hoa lá’, người dùng chỉ việc thổi vào micro.
2. Merge: Chế độ chụp này khá giống trên máy DSi. Ảnh chụp cuối là kết quả của ‘phép trộn’ giữa hình ảnh từ camera phía trước, và camera bên trong của 3DS.
3. Dream: Ảnh chụp được thêm vào hiệu ứng ‘lấp lánh, hư hư, thực thực’, như giấc mơ.
4. Low Light: Người dùng cần kích hoạt chế độ này, khi chụp ở những nơi có ánh sáng yếu.
5. Pinhole: Hiệu ứng ảnh chụp ‘nhìn qua khe hở’. Đường viền xung quang sẽ bị che, chỉ có điểm giữa của ảnh chụp là sáng lên.
6. “?” : Khi chụp ở chế độ này, người dùng cần chú ý. Kết quả chụp đôi khi làm “xởn dà gà” đấy!

Ngoài ra, trong mục “Manual Controls” người dùng có thể tinh chỉnh độ nét, độ tương phản và độ sáng cho bức ảnh theo sở thích. Và, có thể lựa chọn thêm “Films”, như: ảnh trắng đen (B/W); ảnh phai màu (Sepia); ảnh âm bản (Negative); ảnh ‘cháy sáng’ (Solarize).

Đối với bộ đếm ngược cho chế độ “bấm máy tự động”, người dùng có 3 lựa chọn, đó là: 03 giây, 10 giây, và ra lệnh “chụp”. Khi lựa chọn “ra lệnh”, người dùng không cần chờ đợi hay trực tiếp nhấn nút, mà chỉ việc hét to: “OK !”. 3DS sẽ cố gắng hiểu mệnh lệnh này và chụp ảnh. Tất nhiên, tiếng ồn của môi trường xung quanh phải đảm bảo rằng: 3DS có thể ‘nghe rõ’ lệnh chụp.


Những ảnh chụp, và video ghi được sẽ được quản lí, và sấp xếp theo ngày. Những ảnh chụp và video có cùng ngày tháng, tự động được bỏ vào chung một thư mục, với tên ngày/tháng tương ứng. Màn hình trên, sẽ hiển thị thời gian của thư mục ảnh đang chọn, và tổng số hình ảnh, video và số thư mục đang có trong bộ nhớ. Người dùng cũng có thể lựa chọn loại bộ nhớ để lưu trữ: Thẻ nhớ SD, hay bộ nhớ trong của 3DS.

Trong những tình huống, người dùng cần kích hoạt nhanh camera, mà không cần dùng đến những tính năng “cầu kỳ” của ứng dụng “Nintendo 3DS”. Chỉ cần nhấn phím L hoặc R, ở màn hình HOME Menu, chức năng chụp ảnh của 3DS sẽ ngay lập tức được kích hoạt. Đặc biệt, với chức năng chụp nhanh này, camera của 3DS sẽ có tính năng đọc được QR code (còn gọi là mã khung).


Một khung mã hiện ra ở màn hình trên, người dùng chỉ cần ‘ướm’ khung này vào hình ảnh chứ QR code. Nếu mã QR hợp lệ, lập tức 3DS sẽ hiển thị kết quả ở màn hình dưới. Lấy ví dụ: QR code là một đường dẫn website (URL), lập tức 3DS nhận ra và hỏi người dùng có kích hoạt trình duyệt web để xem đường dẫn trên hay không.

QR code có nhiều định dạng, như: Đường dẫn website (URL), ký tự, tin nhắn (SMS) và số điện thoại. Nintendo 3DS chỉ hỗ trợ đọc QR code ở dạng đường dẫn website (URL) !



(Hãy lấy 3DS của mình ra, và thử nghiệm với 02 QR code này !)

Một lưu ý nữa, cũng khá quan trọng khi chụp ảnh và ghi hình, đó là khoảng cách tối thiểu được tính từ 3DS đến đối tượng cần ghi ảnh: tối thiểu phải là 30 cm, để có được chất lượng hình ảnh tốt. Nếu ngắn hơn, hình ảnh sẽ mờ và các chi tiết của ảnh không rõ ràng, ở chế độ chụp/ghi hình 2D và 3D.


Tính năng quay video, được thêm vào ứng dụng “Nintendo 3DS Camera”, sau khi Nintendo nâng cấp hệ điều hành lên phiên bản 3.0.0-5. Tính năng này cho phép 3DS ghi lại những đoạn video, với thời lượng là 10 phút/clip; có hỗ trợ biên tập video theo dạng phân-thời (Stop Motion/Time Lapse)


3.2 Nintendo 3DS Sound


Ứng dụng “Nintendo 3DS Sound” cho phép người dùng nghe nhạc, hay ghi âm lại bằng chiếc 3DS. Để nghe nhạc, người dùng chỉ cần lựa chọn và sao chép những tập tin mà mình thích vào thẻ nhớ SD. Những tập tin nhạc được hỗ trợ, có định dạng: .mp3, .m4a, .mp4, .3gp; Ngoại trừ những tập tin đã bị mã hoá bảo vệ bản quyền. Số lượng tập tin âm thanh tối đa chứa trong thư mục, mà 3DS có thể đọc được là 3000 tập tin.

Nếu các tập tin nhạc được chứa trong từng thư mục riêng biệt, thì ứng dụng cũng sẽ đọc những tập tin này và hiển thị theo từng mục. Số lượng tập tin tối đa mà 3DS đọc được trong từng thư mục là 100 tập tin; và có thể duyệt được 08 cấp thư mục.

Khi người dùng sử dụng ứng dụng “Nintendo 3DS Sound” để chơi nhạc bằng loa ngoài, nhạc sẽ dừng chơi, nếu 3DS được ‘gập lại’. Nhưng, người dùng vẫn có thể tiếp tục nghe nhạc và ‘gập 3DS’ cho vào túi, khi họ có sử dụng tai nghe.


Nintendo luôn làm những điều bình thường, trở nên thú vị. Trình nghe nhạc của họ dành cho 3DS cũng không ngoại lệ. Trong khi nghe nhạc, người dùng có thể dùng phím L hoặc R, để nhịp theo điệu nhạc mà họ đang nghe. Để chuyển đổi qua/lại các loại bộ gõ khác nhau, người dùng nhấn phím X hoặc Y. Có tất cả 12 bộ gõ, để người dùng ‘tha hồ’ lựa chọn, cho đúng với thể loại nhạc mà họ đang thưởng thức.

Đồng thời, kết hợp với 04 hiệu ứng âm thanh được cài đặt sẵn: Radio; Karaoke; Echo; 8-bit và có thể điều chỉnh cả cao độ/trường độ, người dùng có thể ‘biến tấu’ một bài nhạc quên thuộc, trở thành ‘khác thường’ theo ý mình.

Cũng giống như DSi, ứng dụng “Nintendo 3DS Sound” cho phép ghi âm, và hỗ trợ việc lưu trữ, phân loại, biên tập những đoạn âm thanh này.


3.3 Mii Maker:

Nếu ai từng dùng máy Wii, thì có lẽ sẽ không cảm thấy lạ lẫm với những nhân vật Mii, dễ thương và ngộ nghĩnh. Những nhân vật Mii, là tạo hình đại diện của người dùng sản phẩm của Nintendo.

Lần này trên 3DS rất khác so với cách tạo một nhân vật Mii trên máy Wii, ứng dụng Mii Maker cho phép người dùng tự chụp ảnh của mình, và nhân vật này sẽ ‘sinh’ ra một cách tự động.Điều này rất thú vị!


Sau khi, nhân vật Mii được ‘sinh ra’, người dùng hoàn toàn có thể chỉnh sửa nhân vật này. Từ thư viện hàng chục kiểu tóc/mắt/mũi... người dùng có thể lựa chọn để tạo hình một nhân vật Mii giống thật nhất, hay có thể là độc đáo nhất. Khi đã có được nhân vật ưng ý, họ hoàn toàn có thể chia sẽ mẫu nhân vật Mii cho mọi người, thông qua hình thức ‘gửi trực tiếp’ (Send/Receive) hoặc thông qua việc dùng mã khung (QR code). Ứng dụng Mii Maker có thể ‘chứa’ được tối đa 100 nhân vật Mii, mỗi phòng chứ được 10 nhân vật.


Một số tựa game cho phép người dùng sử dụng nhân vật Mii, để mang lại cảm giác người dùng trực tiếp sánh vai chính của tựa game ấy. Tuy nhiên, chưa có nhiều tựa game tận dụng được điều này, ngoại trừ một số tựa game do chính hãng Nintendo phát hành.

3.4 Những mini-game thực tại ảo (AR Games) cài sẵn trong 3DS:



Một bộ gồm 06 thẻ, có kích thước như những lá bài tây, được đính kèm theo trong hộp đựng của 3DS, được gọi là AR Card. Những AR Card là những hình ảnh của nhân vật quen thuộc, trong các dòng game của Nintendo, riêng chiếc thẻ AR có hình “?” được dùng cho ứng dụng AR Games này.

Người dùng kích hoạt ứng dụng “AR Games”, và đặt chiếc thẻ “?”, ở một vị trí sao cho camera phía trước của 3DS có thể nhìn thấy được một cách rõ ràng nhất. Hệ thống của 3DS, sẽ nhanh chóng xác định, và hiểu thị hình ảnh 06 chiếc hộp.


Khi đó, người dùng sẽ ‘hiểu’, lí do vì sao: Những mini-game này được gọi là ‘thực-tại-ảo’. Hình ảnh trong game sẽ là những hình ảnh thật, do camera của 3DS ghi được và hiển thị trên màn hình; kết hợp với những hình hoạ do ứng dụng AR Games được trình diễn đúng tại vị trí mà chiếc thẻ AR được đặt. Thật thú vị !


3.5 Face Raiders:


“Face Raiders” là một mini-game thực-lại-ảo khác, nhưng không có sự tham gia của những AR Card. Thay vào đó, người dùng sẽ chụp ảnh chính gương mặt của mình hoặc bạn bè, để làm ‘bia’ hứng chịu những loại đạn của họ.


Mini-game này kết hợp với cảm biến ‘hồi chuyển’ được phần cứng của 3DS hỗ trợ. Người dùng sẽ di chuyển chiếc 3DS xung quanh vị trí của họ hiện tại, để tìm vào bắn những ‘gương mặt’ đã được chụp ảnh trước đó. Tuy nhiên lúc này, gương mặt của ‘nạn nhân’ được chọn, sẽ biểu cảm rất khác nhau. Trông rất hài hước!
 

Tirexxx

Khủng long chân dài
Thành viên BQT
3.6 Mii Plaza:


“Mii Plaza” là một ứng dụng sử dụng tính năng StreetPass để thu thập dữ liệu và kết nối những người dùng 3DS với nhau. Khi thực hiện StreetPass thành công, một nhân vật Mii từ 3DS của người khác sẽ đến “làm khách” của 3DS mà người dùng sở hữu. Sau thủ tục ‘chào hỏi’, nhân vật Mii ‘khách’ sẽ ở lại tại thành phố “Mii Plaza”.

Không đơn thuần như vậy, nhân vật Mii ‘khách’ sẽ tham gia vào 02 mini-game trong ứng dụng “Mii Plaza”, đó là “Find Mii” và “Puzzle Swap”.


Đối với mini-game “Find Mii”, lấy bối cảnh là: Nhân vật Mii của người dùng bị ‘bắt cóc’, và các nhân vật Mii khác sẽ cố gắng giải cứu bằng cách chiến đấu với các quái vật. Trong lúc chiến đấu, để lần lượt vượt qua các ‘cửa ải’, những nhân vật này có thể sẽ nhận được những rương chứa báo vật. Trong rương, là những ‘chiếc nón’ mà nhân vật Mii của người dùng, sẽ có thể dùng để ‘làm điệu’.

Cấp độ của nhân vật Mii ‘khách’ tham gia mini-game “Find Mii” sẽ tăng dần, từ 1 đến 5; phục thuộc vào số lần gặp mặt thông qua StreetPass của người dùng và những nhân vật Mii ‘khách’. Đương nhiên, cấp độ càng cao thì khả năng tấn công gây sát thương cho mấy con quái vật càng lớn.


Kể từ phiên bản hệ điều hành 3.0.0-5 của 3DS, ‘Find Mii’ cũng có thêm phiên bản II. Người dùng chỉ có thể mở tiếp phiên bản này, sau khi hoàn thành phiên bản “Find Mii” hai lần. Trong phiên bản “Find Mii II”, có khá nhiều thay đổi. Một trong những thay đổi đáng chú ý, đó là: Người dùng có thể ‘thuê’ lại những nhân vật Mii ‘khách’ đã từng gặp trước đây, để tham gia chiến đấu. Tất nhiên, họ phải tốn nhiều Play Coin hơn, đồng nghĩa với việc người dùng phải cho 3DS vào túi và cố gắng ‘đi bộ’ càng nhiều càng tốt, để kiếm nhiều Play Coin hơn.

Sau khi tham gia “Find Mii”, các nhân vật Mii ‘khách’, còn có thể mang đến cho nhân vật Mii của người dùng, những “mảnh ghép” trong mini-game “Puzzle Swap”. Người dùng sẽ thông qua những nhân vật Mii mà mình gặp, để trao đổi những mảnh ghép, nhằm hoàn chỉnh một bức hình.

Những bức hình này, nếu được ghép thành công, sẽ mang đến cho người dùng một nhân vật trong những dòng game nổi tiếng của Nintendo. Bức hình sẽ thể hiện bằng hình ảnh 3D tuyệt đẹp!

Cả 02 mini-game: Find Mii và Puzzle Swap, đề có thể dùng Play Coin để đổi lấy những mảnh ghép cho bức hình 3D, hoặc thuê các chiến binh tham gia giải cứu nhân vật Mii. Mỗi mảnh ghép, hoặc chiến binh được thuê có ‘giá’ là 02 đồng Play Coin (tương đương với 200 bước chân).

3.7 Activity Log:


Ứng dụng “Activity Log”, lưu giữ hầu hết những hoạt động trên 3DS của người dùng. Từ việc thống kê bước chân, theo từng ngày/tường thời điểm khác nhau; đến việc xếp hạng tựa game được người dùng chơi nhiều nhất.


Có thể nói ứng dụng này, nhằm giúp người sở hữu 3DS có cơ hội xem lại quá trình sử dụng chiếc máy chơi game của mình như thế nào.

3.8 eShop:


Đây là một ‘nơi mua sắm’ và cập nhật toàn bộ thông tin đến từ Nintendo, đáng tin cậy của người dùng 3DS. “eShop” liệt kê tất cả những tựa game: Từ những tựa game trên những hệ máy cổ (Vitual Console), những ứng dụng trên DSi, cho đến những thông tin mới nhất về nhất của những tựa game sắp phát hành trên 3DS.

Những đoạn video định dạng 3D, những bản chơi thử, những buổi phỏng vấn, tin tức... Tất cả dường như được cập nhật một cách thường xuyên, mà những người sở hữu 3DS sẽ không muốn bỏ lỡ. Đôi khi, nhân dịp kỉ niệm của Nintendo, người dùng còn được tặng những tựa game miễn phí, được tải về trực tiếp từ eShop.

4. Nintendo 3DS - “Người kế vị sáng giá”.

[IMGalign="Left"]http://i604.photobucket.com/albums/tt127/Tirexxx/3DS%20review/222.jpg[/IMGalign]

Nintendo DS là dòng máy chơi game cầm tay được xem là ‘lừng danh’, mỗi phiên bản của dòng máy DS đều mang lại những thành công nhất định. Không những, dòng máy này có một thư viện những tựa game đồ sộ, trong đó có không ít những tựa game có giá trị. Mà DS còn có sức hút từ cách chơi đầy tính sáng tạo.

Nintendo 3DS ra đời, mang theo những nét kế thừa của dòng máy DS và cả những điều mới mẻ, chưa từng có ở một hệ máy chơi game cầm tay nào có trước đó. Sở hữu khả năng hiển thị hình ảnh 3D, mà người dùng không cần đến việc dùng các loại kính xem chuyên dụng. Nintendo 3DS là một lựa chọn đáng giá, để trải nghiệm hình ảnh 3D.

Với một sức mạnh phần cứng được cải thiện đáng kể, những ứng dụng thú vị và tính năng tiện dụng đủ để quyến rủ được người chơi khó tính. Bên cạnh đó, 3DS còn mở ra một hướng mới đầy tiềm năng cho những nhà phát triển. Điều này được thể hiện, thông qua danh sách tựa game dành riêng cho 3DS, ngày càng kéo dài thêm.

Nintendo 3DS
xứng đáng là một ‘người kế vị sáng giá’, cho dòng máy Nintendo DS.
 

Tirexxx

Khủng long chân dài
Thành viên BQT
Danh sách chi tiết thay đổi của các bản cập nhật firmware của Nintendo 3DS.

Danh sách chi tiết các bản cập nhật 'vi chương trình' (firmware) của Nintendo - phiên bản US dành cho thị trương Mỹ. (Sấp xếp từ phiên bản mới nhất - đến phiên bản cũ nhất)

Ngày cập nhật 19/09/2012 :: Phiên bản 4.4.0-10 :: Thông qua SpotPass

  • Cải thiện tính ổn định của hệ thống.
  • Cải thiện khả năng quản lí bộ nhớ.
  • Ngăn chặn một số flashcard.
Ngày cập nhật 24/07/2012 :: Phiên bản 4.3.0-10 :: Thông qua SpotPass

  • Cải thiện tính ổn định của hệ thống.
  • Vô hiệu hoá một số FlashCard.
  • Nâng cấp kênh bán hàng trực tuyến "Nintendo eShop", giúp khách hàng tiếp cận những tựa game thích hợp với họ một cách dễ dàng hơn.

Ngày cập nhật 26/06/2012 :: Phiên bản 4.2.0-9 :: Thông qua SpotPass

  • Cho phép người dùng có thể đăng nhập nhiều tài khoản thanh toán trực tuyến trên kênh bán hàng eShop.
  • Sau khi hoàn tất việc tải về một tựa game từ kênh eShop, hệ thống sẽ gửi cho người dùng một số tựa game có nội dung tương tự, mà hệ thống đoán rằng họ sẽ thích. Quyết định này, dựa vào việc cho điểm những tựa game mà người dùng đã thực hiện, và những nội dung của tựa game mà họ vừa tải về.
  • Vô hiệu hoá một số FlashCard

Ngày cập nhật 14/05/2012 :: Phiên bản 4.1.0-8 :: Thông qua SpotPass

  • Gỡ bỏ ảnh hưởng của mã PIN (Parental Control PIN) với phần System Settings. Người dùng, có thể truy cập vào System Setting để thay đổi một số thông số hệ thống, cho dù 3DS đang bị khoá mã PIN.
  • Cho phép người dùng tải về những phần 'nội dung cộng thêm' (add-on content) thông qua kênh eShop.

Ngày cập nhật 24/04/2012 :: Phiên bản 4.0.0-7 :: Thông qua SpotPass

  • Cho phép các Nhà phát hành có thể thực hiện việc sửa lỗi những tựa game của họ, thông qua các gói 'patch' được tải về.
  • Người dùng có thể tạo những 'Thư mục' (folder) chứa các ứng dụng và tựa game mà họ đang có. Mỗi thư mục có khả năng chưa tối đa 60 ứng dụng hoặc game. Người dùng cũng có thể đặt tên cho thư mục để dễ phân biệt.
  • Kênh bán hàng trực tiếp Nintendo eShop nâng cấp đáng kể: Giao diện mới, thận tiện hơn cho người dùng; cho phép thanh toán hoặc tải về thông qua QR code; việc tải game vẫn được tiến hành trong khi 3DS ở chế độ Sleep Mode.
  • Cho phép tải hình ảnh từ 3DS lên trang Facebook, nhưng phải thực hiện thông qua trình duyệt được cài sẵn. (Không hỗ trợ giao diện TIMELINE của Facebook).

Ngày cập nhật 21/12/2011 :: Phiên bản 3.0.0-6 :: Thông qua SpotPass

Sửa một số lỗi nhỏ của phần mềm cài sẵn StreetPass Mii Plaza.
Nâng cấp chỉnh sửa nhỏ một số chức năng chung của hệ thống 3DS.

Ngày cập nhật 06/12/2011 :: Phiên bản 3.0.0-5 :: Thông qua SpotPass

  • Nâng cấp ứng dụng chụp ảnh Nintendo 3DS Camera: Thêm chức năng quay phim 3D: 3D Video Recording; 3D Stop Motion/Time Lapse.
  • Nâng cấp ứng dụng StreetPass Mii Plaza: Thêm khả năng nhận các Mii đặc biệt, thông qua SpotPass; Thêm phần 2 của mini-game Find Mii/cập nhận thêm nhiều nhiệm vụ cho StreetPass Quest; thêm tính năng trình chiếu tuần tự cho các khung ảnh Puzzle Swap đã hoàn được người dùng hoàn thành; thêm nhiều khung ảnh mới cho Puzzle Swap.
  • Nâng cấp kênh bán hàng trực tuyến Nintendo eShop: Thêm mục tải về các bản chơi thử (game demo); có thể tiếp tục tải về trong khi 3DS đang ở Sleep Mode (gập màn hình máy); tăng mức độ thuận tiện cho việc giao dịch của eShop: Tuỳ chọn ghi nhớ mã thẻ thanh toán và tuỳ chọn loại thẻ thanh toán.
  • Bảo mật: Thêm một số tuỳ chọn cho phần hạn chế quyền truy cập, giúp quý phụ huynh kiểm soát việc dùng máy 3DS của con mình. Một số tuỳ chọn này được soạn thảo để đảm bảo phù hợp với Luật Pháp tại thị trường mà 3DS được bán, để phụ huynh có thể kiểm soát việc chia sẽ các thông tin riêng tư liên quan đến con của mình, thông qua các tính năng giao tiếp và trực tuyến (Online, StreetPass và SpotPass).
  • Tính năng hỗ trợ chơi trực tiếp của các tựa game được cải thiệt đáng kể.
  • Cho phép người dùng có thể luân chuyển phần mềm ứng dụng hoặc các tựa game mà họ đã mua qua lại giữa các máy 3DS.
  • Thêm tính năng đọc mã ô (QR code), để tăng mức độ thuận tiện trong việc truy cập các đường dẫn website (URL), và truy cập nhanh kênh bán hàng Nintendo eShop.
  • Ứng dụng Nintendo Zone được thêm vào.
  • Bản nâng cấp này, khoá một số các FlashCard.

Ngày cập nhật 13/11/2011 :: Phiên bản 2.2.0-x :: Thông qua một số băng game (gamecard): Super Mario 3D Land và Mario Kart 7

  • Cho phép người dùng 'tham gia nhanh' vào một tựa game có hỗ trợ tính năng chơi trực tuyến, mà bạn bè của họ đang chơi, thông qua danh sách bạn bè (Friends List).
  • Tăng khả năng bảo mật, và khoá các FlashCard.

Ngày cập nhật 26/07/2011 :: Phiên bản 2.1.0-4 :: Thông qua SpotPass

  • Nâng cao tính ổn định của hệ thống phần mềm, và sửa một số lỗi nhỏ khi người dùng thay đổi các thông số hệ thống.

Ngày cập nhật 15/06/2011 :: Phiên bản 2.1.0-3 :: Thông qua SpotPass, và một số băng game (gamecard)

  • Nâng cấp và chỉnh sửa một số lỗi nhỏ của hệ thống, nhằm nâng cao tính ổn định chung. (Phiên bản này được nâng cấp tự động, khi 3DS kết nối với Internet, mà không thông qua sự đồng ý của người dùng).

Ngày cập nhật 07/06/2011 :: Phiên bản 2.0.0-2 :: Thông qua SpotPass

  • Nâng cấp kênh bán hàng trực tuyến Nintendo eShop.
  • Cung cấp khả năng luân chuyển các phần mềm từ Nintendo DSi sang 3DS.
  • Khả năng xem video 3D bị gỡ bỏ.
  • Thêm trình duyệt web (Nintendo 3DS Internet Browser).
  • Nâng cao tính ổn định chung của hệ thống.
  • Thêm một số phím tắt chức năng.
  • Người dùng có thể dùng tính năng SpotPass, khi 3DS đang ở Sleep Mode.
  • Thông báo tuỳ chọn của "Sleep Mode" hiển thị, khi phím nguồn được nhấn. Đồng thời, không còn "nút mềm" Sleep Mode nữa.
  • Nút mềm "Software Closed" được hiển thị trên màn hình cảm ứng, khi người dùng trở về HOME MENU.
  • Khoá một số FlashCard.

Ngày cập nhật 27/03/2011 :: Phiên bản 1.1.0-1 :: Thông qua SpotPass, hoặc thông qua một số băng game (game card): The Legend of Zelda: Ocarina of Time 3D; Pilotwings Resort

  • Củng cố khả năng chịu lỗi của hệ thống.
  • Nâng cao tính ổn định chung của hệ thống, thông qua việc sửa nhiều lỗi nhỏ liên quan đến vi chương trình của 3DS (firmware).
  • Thêm khả năng nhận một số dạng dữ liệu mở rộng, thông qua SpotPass.
  • Cải thiện khả năng kết nối không dây.
  • Khả năng xem 3D video.

Ngày cập nhật 27/03/2011 :: Phiên bản 1.0.0-0 :: Đây là phiên bản đầu tiên của vi chương trình (firmware) trên Nintendo 3DS.

  • Cài đặt sẵn trên các máy 3DS, loạt máy đầu tiên có mặt trên thị trường Mỹ.

Danh sách một số phần mềm dịch vụ có thể được tải về từ kênh Nintendo eShop, cho máy Nintendo 3DS hệ US:

  • Nintendo Video (ngày bắt đầu có thể tải về: 13/07/2011): Ứng dụng cung cấp 04 đoạn 3D video ngắn, với nội dung liên tục được cập nhật theo từng kỳ. Các đoạn video trước đó, sẽ tự động được thay thể bởi video có nội dung mới hơn. Việc cập nhật sẽ diễn ra thông qua SpotPass của 3DS.
  • Netflix (ngày bắt đầu có thể tải về: 14/07/2011): Ứng dụng thuê phim truyện, từ nhà cung cấp Netflix tại thị trường Mỹ.
  • Nintendo Zone (được cài đặt khi nâng cấp firmware 3.0.0-x): Truyền tải nhiều nội dung liên quan đến các hoạt động của Nintendo.
  • Swapnote(ngày bắt đầu có thể tải về: 22/12/2011): Ứng dụng giúp người dùng trao đổi các thông điệp viết bằng tay, với những bạn bè trong Friends List.
 

Bình luận bằng Facebook

Pokémon Center

Pokémon Center Việt Nam

Cộng đồng Facebook của NintendoVN

Top