Nintendo & Những Điều Có Thể Bạn Chưa Biết

Cửa hàng game Nintendo nShop

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.
Bạn đã từng chơi qua rất nhiều games của Nintendo trên các hệ máy NES, Game Boy, SNES phải không nào, vậy đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao một số, nếu không nói là gần như tất cả đều không hề chứa bất kì một hình ảnh có nội dung xxx hay quá bạo lực nào không. Câu trả lời cho điều đó đến từ cơ quan kiểm định của Nintendo tại Mỹ, khi mà rất nhiều game sau khi được hoàn thành tại Nhật Bản, do vô tình hay cố ý đã chứa một số hình ảnh rất ... "gợi hình".


Ngay từ những ngày đầu của kỉ nguyên công nghệ game, Nhật Bản dường như không hề có chút xíu nào băn khoăn trong việc tạo ra những hình ảnh hơi "mát mẻ" một chút hay thêm máu me 1 chút, vì theo họ, điều đó chẳng thấm thía so với những gì xuất hiện hàng ngày trên phim ảnh hay truyền hình, mà thay vào đó còn giúp gamer đỡ buồn tẻ phần nào nữa chứ. Thế nhưng NoA (Nintendo of America) vẫn một mực nhất định giữ vững lập trường và đã bỏ ra không ít công sức trong việc ngăn chặn điều đó. Dĩ nhiên những thứ đã bị ngăn cấm rồi thì không thể để lọt ra ngoài được, và sẽ được giữ như những tài liệu "mật" mà chỉ những người trong cuộc mới có thể "xem" thôi. Nhưng đúng là cái kim trong bọc sẽ có ngày chui ra, "bằng chứng" về những hình ảnh mà NoA không bao giờ muốn gamers biết được đã được phơi bày một cách rõ ràng qua những hình ảnh sau đây, mời các bạn cùng chiêm ngưỡng nhé:




Phần 1: Sexy Scene !​


Final Fantasy III (Final Fantasy VI)​


1 Nàng Siren trong Final Fantasy VI đã phải ngậm ngùi khoác vội lên người 1 chiếc váy để che phần thân thể phía dưới của mình trước sức ép của các ngài ”độc tài” NoA.



Duke Nukem 3D​



Nếu bạn từng là fan của anh chàng Duke Nukem trong Duke Nukem 3D trên hệ máy N64 thì chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi được biết rằng anh ta từng là nhân vật chính trong 1 vụ scandal vô cùng tai tiếng. Nơi anh chàng rất thường xuyên lai vãng mà các bạn thường thấy là quán Duke Burger phải không nào, nhưng trước đây chỗ đó lại từng là 1 vũ trường với các vũ nữ thoát y mà Duke đã hao tốn không biết bao nhiêu tiền mỗi đêm. Thêm 1 điểm lí thú nữa là tiệm bán sách ”giáo dục giới tính”, điểm hẹn của Duke cùng bằng hữu đã được thay thế bằng 1 phòng trưng bày những vũ khí hiện đại.



Out of This World​


Cha đẻ của Another World/Out of this World, Eric Chahi đã phải trải qua chuỗi ngày khó khăn vô cùng trong quá trình đem ”đứa con” của mình tới hệ máy SNES khi ủy ban NoA phát hiện ra tại màn giới thiệu ở chương cuối trò chơi một khung cảnh vô cùng sexy, đó là 3 nàng aliens trong tư thế khỏa thân đang ngồi quay lưng thả chân xuống dòng sông. Phản hồi ngay lập tức từ NoA: ”rõ ràng rồi nhé, quá sức gợi cảm, không thể chấp nhận được”, và Chahi đã phải giảm đi 3 pixels từ những vết nứt trên ... của các nàng aliens.



Castlevania III: Dracula’s Curse​


Do muốn giảm rắc rối cho gamers khi phải đối diện với một boss ”xinh đẹp” như Medusa hay sao ấy, mà sau khi thảo luận xong với NoA, thì Konami đã phải biến nữ quái trở thành một nam nhân nửa người nửa rắn với bộ ngực săn chắc như mới đi gym về.


Và mặc dù bức tượng thần vệ nữ từ thế kỉ thứ 15 đã được quá nhiều người biết đến, đặc biệt rất phù hợp với khung cảnh trong game, thế nhưng vẫn chưa đủ để thuyết phục NoA vượt qua ”rào cản” chủ nghĩa đạo đức, dần đến kết cục đau buồn là những tên phàm phu tục tử nào đó đã vụng về che đi ngay lập tức phần thân trên của bức tượng.



Super Castlevania IV​


Những tưởng Konami đã có thể qua trót lọt NoA, nhưng không, cuối cùng họ cũng đành phải ngậm ngùi làm nhỏ đi bộ ngực của bức tượng xinh đẹp ban đầu.



Earthbound (Mother 2)​


Yep, đã nói là không chấp nhận bất cứ hình ảnh khỏa thân nào hết thì ngay cả chú Ness nhỏ xíu kia cũng không có quyền cởi truồng mà chạy lung tung thế kia được, vậy nhé, mặc ngay đồ vào đi nhé. Một lần nữa, NoA thành công trong việc soi mói tìm lỗi và nhanh chóng bắt nhà sản xuất khắc phục ngay lập tức trước khi ngày phát hành cận kề.

Còn tiếp...
 
Phần 2: "Văn Hóa" Bạo Lực !!​



Final Fight



Capcom ngơ ngác khi nhận được lời cảnh cáo từ phía NoA, nội dung rất đơn giản thôi: “chúng tôi không đồng ý việc đàn ông đánh phụ nữ, ngay cả trong game cũng là một tội ác”. Cả 1 ê kíp sản xuất game lại è cổ làm thêm giờ nhằm thay đổi toàn bộ những nhân vật nữ thành nam để tránh cho việc bị banned bởi 1 lí do kì khôi do các “thẩm phán” NoA đem tới.



The Legend of Zelda: Ocarina of Time​


Và Rồi​


Hành động một cách lộ liễu, sau ngày phát hành, khi mà cả chục ngàn người đã sở hữu trò chơi này, thì NoA mới ra tay thay đổi 1 phần trong nội dung trò chơi. Những ai chưa hoàn thành game này thì chắc hẳn sẽ chẳng để ý rằng máu của Ganondorf từ màu đỏ đã chuyển thành màu xanh lét của Aliens. Và kể từ đó, những băng đĩa game ra sau sẽ khác biệt với những bản đầu tiên ra mắt trên thị trường, thật khó hiểu về hành động này của NoA.



Super Castlevania IV​



Đã nói tới ma cà rồng thì phải có máu chứ nhỉ, không, không được, và thế là vũng máu xuất hiện ngay từ intro của Castlevania IV đã được NoA “phủi tay” lau sạch sẽ…



Hành lang lênh láng máu đỏ cũng được thay bằng thứ dung dịch xanh lè nhớp nháp, nhìn phản cảm hết sức.



Street Fighter II


Mảng màu đỏ được NoA cho là máu kết hợp nền đen tạo nên một bức ảnh vô cùng ấn tượng phải không các bạn, nhưng nó đã phải được thay đổi ngay tránh việc trái ý NoA.



Zombies Ate My Neighbors


Game Over, người anh hùng của chúng ta ngã xuống, máu đỏ trào ra tràn ngập cả màn hình.
“Cắt, bỏ ngay đoạn này đi nếu không thì làm sao cho hợp mắt chúng tôi nhé” NoA nói…
Lucas Arts cắn răng đau xót chuyển màu đỏ thành màu xanh nhìn kì cục không thể tả.​



Final Fight


Ngay cả những tên côn đồ bặm trợn cũng được NoA "nâng niu quan tâm chăm sóc", và dưới sự bảo trợ của “bố già” NoA, thì những “đệ tử” đó không được phép bị lấy mất một giọt máu nào hết. Vô lý nhỉ, đâm trúng không mất máu mà cũng chết.



Blackthorne


Thay vì một cái chết đúng nghĩa, máu chảy lêng láng đi há, không đâu, người chơi sẽ được chứng kiến nhân vật của mình nằm chết trên 1 vũng dầu thô, bôi bác quá.



Mortal Kombat


Cái này thì đúng là không thể chấp nhận được, trên hệ máy Sega khi chơi Mortal Kombat thì những cảnh thế này là chuyện bình thường, thế nhưng khi đến tay NoA thì máu sẽ bị biến thành một đống màu trắng đục mà người chơi chẳng thể hình dung hay tưởng tượng ra được đó là gì.


Còn tiếp...
 
Vì thấy Lu.Chi đã "bỏ quên" bài viết này khá lâu nên N-Idol mạn phép làm tiếp những gì còn đang dang dở.

Phần 3: Không được "bạc đãi" thú vật!


Ice Climbers


Nhiều người chơi hẳn không lạ gì với hai chị em Popo và Nana của nhà Hammer Siblings bắt đầu sự nghiệp trong Ice Climbers với chiêu đập búa nổi tiếng là nện vào đầu những con thú nhỏ xinh. Tuy nhiên lão già khó tính NoA cảm thấy điều này là không đúng và kết quả là ở bản US thì những người tuyết Yetis được khai sinh.

Wolfenstein 3D​



Ở đây có thể bạn nghĩ là Nintendo có ưu ái với bọn Đức quốc xã trong Wolfenstein, nhưng mà nhìn kỹ mà xem nhé, NoA cho rằng giết những con chó dại hung hăng chỉ chực cắn người chơi mất máu đến chết là thật sự quá đáng, và lại thấy để người chơi giết những con "chuột tinh" khổng lồ, thích "gặm nhấm" bạn thì tốt hơn. Í ẹ!



Phần 4: Cứ có liên tưởng đến cồn là cấm tuốt!​


Gun.Smoke​



Cái luật lệ hà khắc của NoA cũng áp dụng trên cả mẫu bìa và sách user's manual. Như ở trên ta có thể dễ dàng thấy hình bìa gốc và bìa điều chỉnh của Gun.Smoke (Capcom), mất hoàn toàn chữ "BAR". Nét văn hóa của cao bồi miền viễn Tây mà lại thiếu đi quán rượu, hết sức khó hiểu!

Final Fight​



Ngoài việc thay đổi tên của địa danh từ “BAR” thành “CLUB,” phiên bản US của Final Fight cũng bỏ hết tất cả những vật phẩm power-up có liên quan đến Whiskey.

Punch-Out!!



Có mỗi cái tên cũng bị làm khó dễ. Bạn có thấy cái tên gốc của nhân vật người Liên Xô Vodka Drunkenski đã bị đổi thành cái tên “Soda Popinski” nghe chẳng Liên Xô tí nào!


Còn tiếp...
 
Được sự "động viên" của Tiểu-Bảo nên N-Idol tiếp tục.

Phần 5: Chính trị, đạo giáo, thần thánh, Satan blah blah... dẹp, dẹp tất!


Bionic Commando

Có thể điều này không lạ đối với bạn, nhưng sự thật là bản tiếng Nhật của Bionic Commando mang nội dung về cuộc chiến chống phát xít (đảng Quốc xã của Đức hay chúng ta hay gọi là Đức quốc xã).


Tuy nhiên NoA không chấp nhận, và trò chơi biến thành một cuộc chiến... hết sức tào lao, chiến đấu chống lại một bọn tưởng tượng nào đấy không mục đích mà nghe qua đã thấy... nhảm nhí. Và hậu quả là nội dung trò chơi bị thay đổi, biểu tượng phát xít trong bản tiếng Nhật khi xây dựng bản tiếng Anh cũng bị thay đổi cho... sạch sẽ đúng ý NoA.


Wolfenstein 3D​


Chúng ta lại tiếp tục quay lại với Wolfenstein 3D, và ở đây cũng như ở trên, biểu tượng phát xít cũng đã bị thay, xóa đi thành một biểu tượng vô nghĩa. Thậm chí cả Adolf Hitler cũng được thay tên đổi họ thành một lão già A. Dolph Schmidtler nào đó không ai biết đến như hình bên dưới!


Bên phải chính là lão già không ai biết A. Dolph Schmidtler đấy. Cái này cứ phải gọi là món ăn... độc quyền, chỉ có trên Super NES duy nhất chỉ một mà thôi!


The Legend of Zelda: Ocarina of Time​


Ngoài việc "thay máu" Ganondorf đã đề cập ở phần 2, Nintendo cũng "xử đẹp" luôn nhiều thứ có tiềm năng chọc giận đến cộng đồng người Hồi giáo. Bên cạnh việc bỏ hẳn một bài hát thánh ca Muslim từ Fire Temple, bạn có nhớ Mirror Shield của Link được trang trí với biểu tượng trăng khuyết của bộ tộc sa mạc người Hyrulian là Gerudo…? Và đáng tiếc đó là... tín ngưỡng của đạo Hồi, thế nên ở bản Majora’s Mask đã có một biểu tượng Gerudo mới, và Mirror Shield cũng thay đổi theo biểu tượng mới đó trong các bản Ocarina điều chỉnh được phân phối thời gian sau đó.


Ducktales​


Disney vốn nổi tiếng về các sản phẩm vốn chỉ dành cho thiếu nhi hoặc "family-friendly", thế nhưng những nhà phát triển của Disney cũng đã hết sức ngạc nhiên Nintendo ném trả lại Ducktales cho họ kèm với công văn “Nội dung cấm”. Nếu bạn nào vẫn chưa hiểu vì sao thì biểu tượng thập giá... có liên đới đến tín ngưỡng, tôn giáo đó.


Final Fight


Còn nhớ ở Final Fight, sau khi đi hết màn 1 thì bạn có một màn bonus, đập phá thoải mái một chiếc sedan rất là đã tay. Sau khi bạn sang màn 2 thì chủ nhân của nó quay lại và khóc than... rất khác nhau ở mỗi phiên bản của mỗi thị trường Nhật và Mỹ. Do lệnh cấm "thần thánh" của NoA đấy!


Castlevania III: Dracula’s Curse


Trong trường hợp bắt buộc không thể không có biểu tượng thập giá thì ít nhất cũng không được để nó quá sức... phô bày chói sáng. Chỉ biết tội cho đội ngũ phát triển của Konami nước mắt lưng còng ngồi bôi bôi tẩy tẩy với luật của NoA nếu muốn được họ sản xuất băng và phát hành game cho.


Còn tiếp...
 
Phần cuối: Văn hóa sạch!


Super Mario RPG


Thử nghiêng đầu một tí bạn sẽ thấy điệu bộ mừng chiến thắng của Bowser trong bản tiếng Nhật gợi đến cú búng tay của người Ý mang hàm ý không được đẹp đẽ cho lắm. Ôi trời, đâu phải ai cũng biết văn hóa Ý ngoài món mì spaghetti!


Maniac Mansion


Ở trên là một trong số nhiều cảnh bị cắt xén, biên tập lại trên bản NES. Bạn nào muốn biết thêm chi tiết xin mời xem thêm những lời "trần tình" (tiếng Anh nhé) của Douglas Crockford, người chịu trách nhiệm về nội dung bản NES tại đây: http://www.crockford.com/wrrrld/maniac.html



Final Fight


Không có điều gì có thể ngăn con boss đầu tiên trong Final Fight không bị đổi tên khỏi bàn tay "làm luật" của NoA. Ngay cả cái tên có thể mang hàm ý về "xxx" hay "yyy" cũng không thể "chạy trời khỏi nắng" với NoA được:



Ballz 3D


Một câu ẩn dụ dường như chỉ là vô tình dính líu đến... một bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người có trong bản Ballz 3D trên Genesis đã bị hoàn toàn chỉnh sửa trên bản SNES… dẫn đến kết quả... hình như có hơi quá trớn:



Phần này N-Idol viết thêm, không có trong bài gốc.

Vào những năm hồi xa xưa ấy, Nintendo of America vốn có tiếng là một công ty chuyên về mảng video game giải trí gia đình. Ưu tiên của hãng là mang đến những sản phẩm giải trí trò chơi điện tử chất lượng cao với đối tượng khách hàng chính là trẻ em, nên không tránh khỏi việc các bậc phụ huynh thường quan tâm nhiều khi lựa chọn game cho con em mình chơi. Do vậy mà NoA luôn kỹ tính để các sản phẩm trên các hệ máy của họ phải không chứa những yếu tố không phù hợp với các bé.

Kết quả của việc này là từ năm 1988, hãng luôn kiểm tra nội dung của tất cả các game được phát triển trên các hệ máy của mình từ console cho đến handheld, do vậy mà công ty này đã đưa ra hàng loạt những quy định hết sức khó chịu và buộc các công ty phát triển phải tuân theo. Với con mắt tinh tường của mình, hầu như NoA chưa bỏ sót điều gì với tiêu chí mạnh tay "thà giết lầm còn hơn để lọt", rất nhiều sản phẩm đã bị cắt xén không thương tiếc khiến nhiều hãng phát triển game phải kêu trời than đất.

Việc kiểm soát này cũng có một nguyên nhân khác, đó là thời ấy ngành công nghiệp game chưa có một chuẩn mực chung về nội dung. Khi đó cơ quan ESRB (chuyên đánh giá, phân loại nội dung các sản phẩm giải trí) chưa ra đời, do vậy mà mỗi công ty chủ quản của mỗi hệ máy đều có những quy định riêng về nội dung cho mình. Có hãng kiểm soát cả nội dung sản phẩm từ các nhà phát triển thứ ba, có hãng lại chỉ quan tâm kiểm soát nội dung do chính mình sản xuất, có hãng lại chẳng quan tâm. NoA là một trong số các công ty chủ quản hệ máy mạnh tay với các nhà phát triển thứ ba, họ thậm chí kiểm soát luôn cả các khâu đóng gói, sách vở v.v... của game, buộc các nhà phát triển phát gởi bản review cho mình xem xét nội dung trước khi cho sản xuất và phát hành đại trà.

Xin giới thiệu với các bạn 10 quy định cấm về nội dung game mà NoA soạn ra, buộc các nhà phát triển game phải tuân theo. Những nội dung cấm dưới đây chỉ áp dụng đối với các game phát hành tại thị trường nước Mỹ, đối với Nintendo tại thị trường Nhật Bản không có những quy định như thế này:

• có các hàm ý về giới tính hoặc nội dung lộ liễu về hãm hiếp và/hoặc trần (truồng) trụi; (1)

• mang ngôn ngữ hoặc miêu tả phỉ báng hay bôi nhọ đến bất kỳ giới tính nào; (2)

• có các hình ảnh bạo lực ngẫu nhiên, vu vơ, và/hoặc bạo lực quá đáng; (3)

• có hình ảnh minh họa cái chết; (4)

• có hình ảnh "bạo lực" và/hoặc bạc đãi thú vật; (5)

• miêu tả vũ lực quá mức trong một trò chơi thể thao, vượt ngoài cả những gì vốn có trong thực tế của môn thể thao đó; (6)

• phản ảnh về dân tộc, tôn giáo, dân tộc chủ nghĩa, hoặc các ngôn ngữ giới tính "hifi"; nội dung này bao gồm cả các biểu tượng có liên quan đến bất kỳ chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, hay các nhóm tổ chức, chẳng hạn như hình thập giá, hình sao 5 cánh, thượng đế, thần thánh (các vị thần trong truyền thuyết Roman thì được), quỷ Satan, địa ngục, Đức phật; (7)

• sử dụng ngôn từ hoặc điệu bộ báng bổ hay tục tĩu, khiêu dâm dưới bất kỳ hình thức nào có thể gây xúc phạm đối với các chuẩn mực và thị hiếu chung phổ biến; (8)

• đưa vào hoặc cổ xúy cho hành vi sử dụng ma túy, hút thuốc, và/hoặc chất cồn (Nintendo không cho phép đặt quảng cáo có bia hay thuốc lá ở các sân khấu, sân vận động hay tường sân chơi, hoặc hàng rào trong game thể thao); (9)

• có các thông điệp ngầm liên quan đến chính trị hoặc các chính kiến công khai; (10)

Tuy những quy định khắt khe này khiến nhiều người chơi không mấy thiện cảm, nhưng phải nhìn nhận chính nó đã góp một phần đưa Nintendo đi lên như bây giờ. Mặc dù ngày nay, những quy định này đã được loại bỏ khi có sự xuất hiện của cơ quan kiểm định nội dung phần mềm giải trí ESRB, và Nintendo cũng đã dần chấp nhận cho các game 16+ xuất hiện trên các hệ máy của họ. Nhưng nói đến thương hiệu Nintendo, người ta vẫn lại nghĩ ngay đến một thương hiệu giải trí mà các bậc phụ huynh có thể tin tưởng.

Nhưng hãy khoan vội mừng, tuy Nintendo of America không còn kiểm duyệt các game của các nhà phát triển thứ ba, nhưng công ty này vẫn kiểm duyệt tất cả những game do chính công ty mẹ Nintendo Nhật Bản phát triển. Vì thị trường chính Nintendo of America nhắm đến vẫn là thị trường trẻ em nhỏ tuổi, nên nhằm chiếm được mức đánh giá "E for everyone" từ ESRB, NoA vẫn không ngần ngại loại bỏ một số nội dung từ bản tiếng Nhật gốc trước khi phát hành tại khu vực nước Mỹ.


Hết
 
Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

Bình luận bằng Facebook

Pokémon Center

Pokémon Center Việt Nam

Cộng đồng Facebook của NintendoVN

Top